Thứ ba, 07/05/2024 | 10:05
RSS

Người đàn ông suýt chết vì ăn tiết canh lợn

Thứ ba, 20/06/2023, 14:34 (GMT+7)

Các bác sĩ chẩn đoán ông T. bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Người nhà cho biết ông có thói quen ăn tiết canh thường xuyên từ nhiều năm nay.

Sự kiện:
Lạng Sơn

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới đây bệnh viện này mới tiếp nhận nam bệnh nhân T.V.T (59 tuổi, ở Thị trấn Cao Lộc). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, cứng gáy, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn. Thông tin người nhà cung cấp, nhiều năm qua bệnh nhân có thói quen ăn tiết canh thường xuyên.

Qua việc thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng; tiên lượng rất nặng. Nếu nhập viện chậm 1 ngày, bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.

Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực bằng kháng sinh, chống phù não, bù dịch,… Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Người đàn ông suýt chết vì ăn tiết canh lợn

Da bệnh nhân nhập viện vì ăn tiết canh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Hiện nay, rất nhiều nơi có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn vào dịp đầu năm, đầu tháng. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm có thể khiến người ăn phải đi cấp cứu, thậm chí trả giá bằng tính mạng.

Trong đó, bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh… và gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế mới đây, khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Bên cạnh đó, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Ngoài ra, cần tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Huy (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại