Thứ bảy, 05/10/2024 | 17:33
RSS

Người cựu binh và những ký ức không quên thời hoa lửa

Thứ bảy, 30/04/2022, 14:00 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, những mảnh đất bom đạn cày xới giờ đây đã căng tràn sức sống. Nhưng trong ký ức của những con người đã kinh qua một thời hoa lửa, dường như họ không thể quên đi những ngày cùng đồng đội nhất tề xông trận cho lý tưởng về sự độc lập, thống nhất của dân tộc.

Phóng viên Báo sức khỏe & Đời sống có dịp trò chuyện cùng cựu binh Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1954) trú tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), người từng tham gia trận chiến ở thị xã Xuân Lộc, tỉnh lị Long Khánh cũ. Rồi cùng các cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.

Cựu binh Nguyễn Sỹ Hùng, người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa.

Như thước phim quay chậm hiển hiện trong đầu, người cựu binh này kể, cuối năm 1972, khi vừa mới tốt nghiệp cấp 3, cậu trai trẻ đầy nhiệt huyết Nguyễn Sỹ Hùng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ.

Ông đầu quân vào tiểu đoàn 53B, Quảng Bình, sau đó biên chế vào tiểu đoàn 9, sư đoàn 341. Ông vẫn nhớ rõ vào ngày 25/1/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 vào Nam bộ trong đội hình Quân đoàn 4. Toàn sư đoàn đã được xác định đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng. Đến ngày 15/2/1975, sư đoàn 341 được lệnh vào chiến trường B2, đánh vào thị xã Xuân Lộc.

"Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi dọc theo đường Tây Trường Sơn vào thẳng chiến trường B2. Trên đường hành quân, chúng tôi nhận tin những chiến thắng liên tục trên các mặt trận Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... mà lòng rạo rực. Lúc đó không sợ hy sinh mà tôi với đồng đội chỉ sợ không kịp vào để đánh giặc vì quân ta chiến thắng quá nhanh. Tuổi trẻ đó chúng tôi chỉ hướng về lý tưởng giải phóng và thống nhất đất nước", ông Hùng cho biết.

Ông Hùng bồi hồi nhớ lại những ngày binh lửa.

Ông Hùng cho biết Xuân Lộc nằm ở phía đông bắc Sài Gòn. Sau những thất bại nặng nề trên các chiến trường khác, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng nơi đây thành tuyến phòng thủ mạnh, hòng ngăn chặn sự tiến công của quân giải phóng từ hướng đường 20 và quốc lộ 1A đánh vào Sài Gòn.

Sau khi nhận được lệnh chiến đấu, tiểu đội thông tin vô tuyến điện 2W của ông Hùng được tổ chức thành 3 tổ chiến đấu: một tổ ở lại tiểu đoàn bộ, hai tổ còn lại tăng cường về hai đại đội chủ công.

Theo kế hoạch tác chiến, đúng 18h ngày 8/4/1975, đơn vị của ông rời vị trí tập kết tiến về thị xã Xuân Lộc. Sau khi có lệnh triển khai đội hình chiến đấu, bộ đội ta khẩn trương đào hầm cá nhân, kiểm tra lại súng đạn đợi lệnh chiến đấu. Lúc đó, ông Nguyễn Sỹ Hùng phải luôn bám sát chính trị viên và đại đội trưởng, đợi có lệnh để mở máy liên lạc với tiểu đoàn.

Trong tập sách của Hội Cựu chiến binh xã Hải Trạch (nay là xã Hải Phú), ông Hùng đã có bài viết kể về trận chiến ông đã kinh qua.

Đúng 5h40 phút ngày 9/4/1975, pháo chiến dịch và pháo Trung đoàn 55 đồng loạt nã đạn. Thị xã Xuân Lộc rung lên sau mỗi đợt pháo của ta. Địch chống trả rất ác liệt, hỏa lực của địch rất mạnh, chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương.

Đúng 6h40, hai phát pháo hiệu đỏ rực của sư đoàn bắn lên trời, đơn vị của ông Hùng nhận được lệnh tiến công. Ông cùng đồng đội nhất tề xung phong đánh thẳng vào thị xã.

Trong lúc chiến đấu, ông Hùng không may bị thương, được các đồng chí vận tải tiểu đoàn chuyển ra trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn. Cũng lúc đó, đã xảy ra một câu chuyện mà ông không thể nào quên.

Giấy khen và Giấy chứng nhận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh được ông Hùng bảo quản cẩn thận, treo trang trọng trong nhà.

"Tôi bị thương được đưa vào hầm để băng bó, lúc ấy có nhiều đồng đội bị thương và nhiều tử sĩ ở đó. Anh y sĩ giúp tôi băng bó xong thì qua giúp đỡ chiến sĩ khác. Phần băng ở vai bị lỏng, tôi vừa mở miệng định nhờ băng chặt hơn thì mảnh đạn từ đâu bay vào đã găm vào đầu người y sĩ đó. Đồng đội chết trước mắt dù 1 giây trước vừa nói chuyện với tôi. Qua đó mới thấy sự khốc liệt của cuộc chiến và sự sống khi đó thật mong manh", ông Hùng rưng rưng kể lại.

Gạt nỗi đau của vết thương và mất mát, sau khi băng bó lại, ông Hùng trở lại đơn vị để chiến đấu cùng đồng đội. Rồi trong những làn mưa đạn, ông Hùng lại mất đi người đồng đội trong tổ chiến đấu đội thông tin vô tuyến điện 2W.

Cựu binh Nguyễn Sỹ Hùng sống vui tuổi già cùng vợ và con cháu.

"Đồng đội ngã xuống, chúng tôi vô cùng đau đớn nhưng đó là động lực để tiến lên đánh địch. Sau trận chiến, rồi xuất ngũ, tôi tưởng chừng thi hài của những người đồng đội ấy không thể tìm được. Nhưng đến năm 2010, đơn vị tổ chức gặp mặt đồng đội tại TP. Hồ Chí Minh, khi thắp hương cho các đồng đội, tôi phát hiện ngôi mộ của một người đồng đội cùng tổ chiến đấu năm xưa. Thắp hương cho bạn mà tôi đã không thể cầm nước mắt. Hơn 30 năm mới có thể thắp được nén nhang cho người từng sát cánh chiến đấu", ông Hùng xúc động nói.

Từ trận đánh mở màn ngày 9/4/1975, sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt đến ngày 21/4/1975, địch đã rút chạy, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Xuân Lộc. Cánh cửa phía đông đã mở, chào đón các cánh quân kiên cường của ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tổng tiến công vào Sài Gòn, Gia Định.

Những người cựu binh sư 341 vẫn thường gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm hào hùng năm xưa.

"Khi cùng những người lính giải phóng quân khác tiến vào Sài Gòn, chúng tôi có một niềm vui khó có thể diễn tả bằng lời. Niềm vui sướng vì sau những ngày "trên bom, dưới đạn" thì đất nước cũng đã thống nhất một mối. Chỉ tiếc thương cho những đồng đội đã ngã xuống không kịp nhìn thấy ngày tươi đẹp đó", ông Hùng bồi hồi nhớ lại.

Qua câu chuyện của người cựu binh, có thể thấy đối với họ, những mất mát đau thương đã trải qua cùng Tổ quốc và đồng đội sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm đến suốt đời.

Hùng Trần
Theo Gia đình& Xã hội