Vụ cà phê nhuộm pin vừa bị phát hiện ở tỉnh Đắk Nông đang khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, trước khi vụ cà phê nhuộm pin Con Ó bị phát hiện, dư luận từng e ngại trước thông tin một số cơ sở sản xuất luộc bánh chưng bằng pin để tiết kiệm thời gian.
Luộc bánh chưng bằng pin
Nếu như luộc bánh chưng bằng cách thông thường phải mấy 10-12 tiếng thì chỉ với một cục pin, nồi bánh chưng chỉ mất khoảng 2 tiếng.
Luộc ngô bằng pin
Tương tự bánh chưng, một số chủ lò cũng sử dụng pin để luộc ngô. Với 200 bắp ngô, người luộc sử dụng một ít hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm, 2-3 muỗng đường ngọt, cộng một cục pin. Khi ra lò, nhìn ngô vẫn tươi, thơm ngon và ngọt.
Người luộc ngô bằng pin còn phải canh thường xuyên vì nếu luộc hơi lâu, hơi quá lửa ngô sẽ bị nhão.
Theo các chuyên gia, luộc bánh chưng, ngô hay dùng pin chế biến bất kỳ thực phẩm nào cũng đều tiềm ẩn những nguy hại cho người sử dụng.
Pin chứa nhiều kim loại nặng như: chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… đều là những chất kịch độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Trộn pin vào cà phê
Trước đó, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hàng chục tấn cà phê bẩn trộn lõi pin tại cơ sở sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Theo lời khai, cà phê sau khi nhuộm đen bằng pin được cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà Loan đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn nhuộm đen bằng pin.