Công an TP Hà Nội cho biết, khoảng 5 giờ ngày 15/8, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ nghi phạm liên quan vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi ở khu dân cư thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên) vào tối 14/8.
Theo đó, đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Tại buổi họp báo thông tin về vụ việc diễn ra chiều 15/8, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, nghi phạm bước đầu khai không có công ăn việc làm; chưa có tiền án, tiền sự. Do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc. Trong quá trình gây án, đối tượng đã chuẩn bị từ trước nhiều biển số xe giả để thay đổi trong quá trình bỏ trốn và chuẩn bị súng bắn đạn cao su được mua trên mạng.
Đối tượng Nguyễn Đức Trung (đứng giữa) bị bắt giữ. Ảnh: Báo Người lao động
Vế các tội danh và khung hình phạt mà nghi phạm có thể đối mặt, dưới góc độc pháp lý, Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích trên Báo VOV, hành vi của đối tượng là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, đe dọa uy hiếp đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân và những người khác nên hành vi này là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Luật sư Cường cho biết, với số tiền có ý định chiếm đoạt 15 tỷ đồng, đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4, Điều 169 bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định như sau: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trước tiên xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi bắt, giam, giữ nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, riêng hành vi này cũng có thể cấu thành một tội phạm độc lập nếu như đối tượng không có mục đích chiếm đoạt tài sản (Tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật).
Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này còn có tính chất nguy hiểm hơn bởi hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Với hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm kể từ thời điểm xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi đối tượng bắt giữ nạn nhân và thông báo cho gia đình về số tiền chuộc là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân hay chưa. Do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên không đòi hỏi hậu quả phải chiếm đoạt được tài sản xảy ra thì hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này, mặc dù đối tượng chưa chiếm đoạt được số tiền như mong muốn là 15 tỷ đồng nhưng đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến số tiền mà đối tượng này đã đưa ra làm cơ sở xác định tính chất vụ việc và làm cơ sở để tòa án lựa chọn loại hình phạt cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.
Nguyễn Đức Trung thực hiện hành vi bắt cóc bé trai 7 tuổi tại khu đô thị Việt Hưng. Ảnh cắt từ clip
Trong khi đó, chia sẻ trên Báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ án này, nghi phạm có dấu hiệu của hàng loạt tội danh. Nếu bị truy tố và xét xử về nhiều tội danh, tổng hợp hình phạt nghi phạm sẽ phải đối mặt là rất nghiêm khắc.
Theo đó, với tính chất mức độ hành vi trong vụ án, nghi phạm có thể phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhất của tội "Bắt cóc" nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi của người phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, bởi mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi là nhằm buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó.
Khung hình phạt cơ bản đối với tội bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì việc nổ súng về phía cảnh sát là hành vi rất nguy hiểm. Vì thế nếu làm rõ nhận thức của nghi phạm là nổ súng với mục đích giết người, nghi phạm còn có thể còn phải đối mặt với tội "Giết người" (trường hợp phạm tội chưa đạt)". Với hành vi sử dụng súng, nếu khẩu súng là súng quân dụng hoặc tính năng tương tự, nghi phạm sẽ bị xử lý thêm về tội "Sử dụng vũ khí quân dụng".