"Lao tâm khổ tứ" gìn giữ và phát huy mạch nguồn điệu múa dân gian
Như cái duyên tình cờ song cũng là định mệnh, Trương Đức Cường - người con của mảnh đất Sa Pa đã đến với nghệ thuật múa. Một phần là do chính trong con người anh đang cuộn chảy một dòng máu mang gen di truyền của người mẹ - một phụ nữ giỏi hát chầu văn thuở trước. Trương Đức Cường bộc bạch: Thật sự tôi cũng có thừa hưởng “gen” từ người mẹ đáng kính của mình. Phần vì yêu thích ca hát từ nhỏ, thế nên đến bây giờ có thể khẳng định, cái nghiệp múa cứ đeo đuổi tôi suốt một kiếp người...
Chiều cuối tuần, trong quán cà phê của một người quen cũ trên phố Hồng Hà, nghệ sỹ, biên đạo múa Trương Đức Cường say sưa kể về những đam mê của mình như muốn giãy bày những chất chứa ở trong lòng của một người trót đam mê và sống hết mình vì nghệ thuật, vì lý tưởng sống cao đẹp mà mình đang đeo đuổi.
Tốt nghiệp Đại học văn hóa, Trương Đức Cường lại theo học biên đạo múa tại Trường múa Việt Nam. Anh về làm ở Trung tâm văn hóa tỉnh Lào Cai và đến nay, anh đang làm nhiệm vụ giảng dạy ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch. Trải qua nhiều công việc khác nhau: Giám đốc Nhà thiếu nhi, Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa nghệ thuật nhưng niềm đam mê về nghệ thuật múa cứ trào dâng trong trái tim của người nghệ sỹ chân chính luôn muốn cống hiến sức lao động của mình cho nghệ thuật. Đam mê ấy, trăn trở ấy cứ cuộn chảy trong con người Trương Đức Cường khiến nhiều đêm anh thức trắng “lao tâm khổ tứ” với những giai điệu mới, vũ điệu mới... để rồi có khi nửa đêm bật dậy, anh múa may quay cuồng như “lên đồng” trong đêm khuya tĩnh lặng và thở phào nhẹ nhõm: Vậy là đã tìm ra “ngôn ngữ chủ đạo” cho vũ đạo xuyên suốt tác phẩm của mình rồi. Thế là đêm ấy ngủ ngon rồi!
Với Trương Đức Cường, cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa dân gian không phải vì những giải thưởng hay những tấm huy chương mà cái anh quan tâm đó là điều đọng lại, sự đón nhận tác phẩm của khán giả, của công chúng. Sự lao động nghệ thuật nhiều khi là đam mê, là tiếng lòng của chính mình được “chắt chiu” qua năm tháng, tích thành “ngọc” từ những hạt “bụi quý” thời gian. Theo Trương Đức Cường, để có một tác phẩm nghệ thuật hay, đi vào lòng công chúng mang hơi thở của thời đại, còn là sự trải nghiệm của bản thân, sự dày công học tập và sự lao động nghiêm túc với nghề.
Nghệ sỹ, Biên đạo múa Trương Đức Cường
Nhắc đến Trương Đức Cường là nhớ đến "Tiếng đàn Pa Dí"
Cũng chính bởi lẽ đó, “Tiếng đàn Pa Dí” đã mang lại tấm huy chương Vàng cũng là tác phẩm anh tâm đắc nhất đến thời điểm này trong hoạt động nghệ thuật của một người nghệ sỹ múa đang chuẩn bị bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”. Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, những năm 1991-1992, trong một lần công tác lên Mường Khương tuyển người đẹp dự thi Người đẹp các dân tộc, Trương Đức Cường cùng đoàn công tác lên Tung Chung Phố bắt gặp giữa một miền núi đá tai mèo, hình ảnh cô gái người Pa Dí có tên là Pờ Tả Pháng...
Vẻ đẹp của thiếu nữ nơi miền sơn cước cùng hình ảnh chiếc mũ của dân tộc Pa Dí vươn cao như những ngọn núi khiến cho Trương Đức Cường cứ ám ảnh mãi, muốn đưa hình ảnh đẹp ấy vào trong tác phẩm múa của mình. Người Pa Dí sinh ra ở vùng đá tai mèo, lớn lên bên thượng nguồn sông Chảy. Nếu như nhà văn, nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã nói lên tiếng lòng của người đàn ông Pa Dí, nơi chỉ có 2000 người sinh sống bằng những vần thơ mộc mạc nhưng có hồn thì Trương Đức Cường, dù không phải người Pa Dí nhưng anh lại tìm thấy ở đó một sự đồng cảm, như một sự “sắp đặt” với “sứ mệnh” mang cái tâm của người nghệ sỹ giữ lại nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Dí.... Thế là trong anh ấp ủ một tác phẩm múa về tộc người này. Vậy rồi, sau gần 20 năm gắn bó với Mường Khương, không biết bao nhiêu cuộc điền dã về vùng đất “gang thép” này đã cho anh hình thành nên tác phẩm múa “Tiếng đàn Pa Dí”.
Bởi trước đây, với người Pa Dí, tiếng đàn rất quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh nhưng về sau, nét văn hóa này dần mai một.... tiếng đàn đã mất dần đi, ít còn sử dụng trong những lễ hội hay những nghi lễ quan trọng nữa. Thế nên việc có một tác phẩm múa, lưu giữ và bảo tồn được nét văn hóa này cũng là điều đáng làm. Nghĩ là làm, là trăn trở và sống cùng với những giai điệu... Quả đúng như lời anh nói, làm nghệ thuật, nhất là biên đạo múa, có khi cống hiến hết cả cuộc đời mới có được một tác phẩm để đời. Và “Tiếng đàn Pa Dí” cũng như nói hộ tiếng lòng của người nghệ sỹ múa, thế nên ngay từ lúc chưa đoạt huy chương Vàng, mới đem ra trình diễn trước công chúng, tác phẩm này đã được khán giả đón nhận rất nhiệt tình.
Tác phẩm "Tiếng đàn Pa Dí" nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch
Sự thành công của “Tiếng đàn Pa Dí” được đánh đổi bằng bề dày của phông văn hóa, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của người trong nghề cùng với niềm đam mê sáng tạo không mệt mỏi. Tác phẩm vừa lưu giữ bảo tồn về nét văn hóa tộc người thiểu số chỉ có “hai ngàn người” vừa mang nét chấm phá của hơi thở thời đại được Trương Đức Cường khéo léo nhào lặn vào trong đó.
Không thuần chất dân gian một cách nhàm chán như các tác phẩm múa dân gian khán giả từng xem, mà ở đó phong cách người Pa Dí mang phong cách thời đại trên cơ sở ngôn ngữ “dân gian thuần chất” với “tem” nhạc dân ca của người Pa Dí. Đó là sáng tạo của người nghệ sỹ khiến cho tác phẩm của mình vẫn mang âm hưởng dân ca dân vũ của người Pa Dí nhưng trình diễn theo lối múa đương đại; sự kết hợp hài hòa mà không phải nghệ sỹ biên đạo múa nào cũng thể hiện được. Và đó chính là cái riêng có của mỗi nghệ sỹ làm nên thành công cho tác phẩm của chính họ.
Ngồi xem lại video “Tiếng đàn Pa Dí” trên làn sóng của VTC trong Chương trình “Làn điệu Việt” mới thấy hết việc đầu tư chuyên môn, kinh phí và sự sáng tạo vượt bậc của Trương Đức Cường trong tác phẩm. Sự dàn dựng công phu, từ âm nhạc đến hòa âm phối khí cùng hòa quyện trong sự uyển chuyển múa của dàn diễn viên biểu diễn mới thấy Nghệ sỹ Trương Đức Cường đã nhiều đêm mất ngủ là có cơ sở. Anh tâm sự: Thời gian viết kịch bản cho tác phẩm múa “Tiếng đàn Pa Dí” không chỉ mất ăn mất ngủ, khi ở cơ quan tôi cũng chẳng chú tâm làm việc gì cho ra hồn, lúc nào trong tâm trí mình cũng nghĩ về kịch bản, không thiết làm việc gì nữa. Và thực sự khi tìm ra vũ đạo xuyên suốt rồi, lúc ấy mới có thể ăn ngon, ngủ yên được.
Vừa mở cho tôi xem bài múa “Tiếng đàn Pa Dí” nghệ sỹ Trương Đức Cường vừa giới thiệu: Trong tác phẩm múa có một cô gái Pa Dí trình diễn sô lô một chiếc đàn đại, cô trau chuốt từng ngón đàn của mình, rồi 3 người đến xem, 5 người đến xem rồi cả bản làng đến xem và họ cùng múa. Ý nghĩa của tác phẩm này muốn giữ được tiếng đàn phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng cùng hưởng ứng.
Đàn chỉ là cái cớ, bởi kéo theo tiếng đàn là cả một nền văn hóa của tộc người Pa Dí. Trong đó mỗi điệu múa, mỗi thanh âm cất lên ẩn chứa trong nó là hình ảnh của người Pa Dí trong ngày hội, trong lúc lao động sản xuất, khi địu con lên nương... Trong tác phẩm “Tiếng đàn Pa Dí” hình ảnh về dân ca dân vũ được thể hiện bằng điệu múa dựa trên nền nhạc Pa Dí, sử dụng “tem” nhạc của dân ca Pa Dí.
Mất cả đời để sáng tác một tác phẩm múa
Sáng tác múa được một tác phẩm có khi phải mất cả một đời người nghệ sỹ, bởi đơn cử như sáng tác tác phẩm “Tiếng đàn Pa Dí” Trương Đức Cường không chỉ am hiểu về vốn văn hóa, phông kiến thức về dân tộc Pa Dí, mà phải hiểu rõ cả nét văn hóa của các dân tộc thiểu số khác, từ đó có sự so sánh, chắt lọc để làm nên cái đặc sắc riêng có của bản sắc người Pa Dí... Hiểu những điều cấm kỵ trong các phong tục tập quán của dân tộc họ để cho người Pa Dí xem được “Tiếng đàn Pa Dí” và nhận diện được mình trong tác phẩm múa dân gian nhưng không “lỗi thời” với nhịp sống của thời đại.
Sau gần 20 năm lăn lộn ở Mường Khương, thuộc từng giai điệu của người Pa Dí, chắt lọc từ những tiết tấu trong dân ca, dân vũ người Pa Dí qua quá trình khai thác, trải nghiệm về cuộc sống của người Pa Dí, sau đó mới về xây dựng kịch bản, rồi qua công đoạn hòa âm phối khí của nhạc sỹ. Điều quan trọng nữa là phải làm sao để nhạc sỹ viết nhạc theo kịch bản chuyển tải được ý tưởng của người biên đạo đã viết trên nền nhạc sử dụng tiết tấu từ chất liệu của tiếng đàn Pa Dí, nhưng mang âm hưởng hiện đại. Bởi một tác phẩm múa đứng được trong lòng công chúng phải vừa bảo tồn được nét dân gian nhưng phải phù hợp với thời đại.
Huy hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai" tặng nghệ sĩ Trương Đức Cường
Không chỉ đạt Huy chương Vàng cấp quốc gia Liên hoan ca múa nhạc sân khấu, kịch hát dân tộc năm 2010 tác phẩm “Tiếng đàn Pa Dí” đã nhận được giải A, giải thưởng văn học nghệ thuật Phan Xi Păng của tỉnh. Đến nay, trong bộ sưu tập huy chương của anh đã có 3 tấm huy chương Vàng, 2 tấm huy chương Bạc quốc gia về múa chuyên nghiệp và rất nhiều huy chương, giải thưởng trong những hội diễn không chuyên mà anh chưa liệt kê được hết. Mới đây, anh còn đạt Giải thưởng toàn quốc giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo tài năng trẻ; giải đặc biệt báo chí năm 2013 của Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai viết về “Múa Giáy ở Lào Cai”, năm 2012 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu “Đạo diễn xuất sắc”.
Nhưng điều mà nghệ sỹ Trương Đức Cường thích “khoe” hơn cả không phải là các giải thưởng, bằng khen hay giấy khen mà là tác phẩm của anh đã được trình diễn như tác phẩm múa “Xuân về trên bản Y Linh Hồ”; “Hoa sen Tây Bắc”; “Mùa sen nở”, “Chiến sỹ Biên phòng và những cô gái Hà Nhì” và nhiều chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giao lưu đối ngoại quốc tế hay tác phẩm sắp “ra lò” là “Múa đám cưới người Giáy” đều mang dấu ấn, phong cách riêng của Trương Đức Cường. Điều mà người nghệ sỹ tâm huyết đó là theo dõi và động viên cô con gái “rượu” Trương Hoàng Mai Anh “nối nghiệp cha” đang theo học năm thứ 9 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng về nhạc cụ dân tộc.
Giờ đây, dù trong cương vị Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch tỉnh Lào Cai, ngoài thời gian đi điền dã tìm cảm hứng sáng tác cho các tác phẩm múa, nghệ sỹ Trương Đức Cường còn rất bận rộn tham gia giải dạy ở các trường đại học: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường múa Thành phố Hồ Chí Minh, ...
Với người nghệ sỹ, sức sáng tạo không có sự dừng lại mà nó cứ trôi theo nhịp sống của đời người. Thế nên, với Trương Đức Cường, anh vẫn đang tích lũy vốn kiến thức, ngày nào còn là biên đạo múa, là nghệ sỹ thì anh vẫn luôn tìm tòi để sáng tác, đưa đến công chúng cảm xúc của anh về mạch nguồn những điệu múa dân gian...