Phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh Báo Nhân Dân
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 7/9/2022, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố với 833 ca mắc SXH, trong đó có, 174 ca ngoại lai và 659 ca nội tại. (đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, sau Hà Nội). Ca mắc tại tỉnh đầu tiên được ghi nhận tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, Nghi Lộc vào ngày 25/5/2022.
Trong số 833 ca mắc SXH, mới đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong: 01 bệnh nhân ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu (nam, sinh năm 1987); 01 bệnh nhân ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (nữ, sinh năm 1997)... 02 bệnh nhân tử vong này mắc SXH nhưng nhập viện điều trị muộn, khi nhập viện, bệnh diễn biến nhanh.
Liên quan đến tình hình dịch SXH trên địa bàn, theo ông Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết, trong năm 2022 này, dịch SXH ghi nhận xuất hiện ở nhiều địa phương mới, các năm trước đây chưa ghi nhận, xuất hiện trên diện rộng cả miền biển và khu vực miền núi, có 03 xã có ổ dịch tái ghi nhận gồm: phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai); xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn); xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Riêng trong 6 ngày đầu tháng 9/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 162 ca mắc nội tại, trung bình ghi nhận 27 ca/ngày. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Nghệ An trong thời gian tới là rất lớn.
Hiện ở Nghệ An lưu hành hai type virus D1 và D2 gây SXH. Trong đó, type virus D1 có độc lực mạnh nhất trong 4 type, còn type virus D2 có tốc độ lây lan rất nhanh. Việc cùng lúc lưu hành hai type virus này khiến dịch SXH ở Nghệ An có nguy cơ lan rộng và diễn biến nặng.
Theo ngành Y tế Nghệ An, 3 địa phương có nguy cơ sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian tới đó là huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai…
Tại huyện Diễn Châu, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 213 ca (33 ca ngoại lai; 180 ca nội tại); có 134 ca khỏi bệnh và ra viện, 78 ca đang điều trị, 01 ca tử vong. Ca mắc nội tại đầu tiên được ghi nhận tại xã Diễn Hồng vào ngày 18/6/2022. Các ca mắc đã được ghi nhận tại 29 thôn/xóm/khối ở 08 xã, thị trấn (còn 5 xã đang xuất hiện bệnh nhân mới). Hiện số ca mắc mới trung bình 2,5 ca/ngày.
Tại huyện Quỳnh Lưu, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 258 ca (26 ca ngoại lai; 232 ca nội tại); 138 ca khỏi bệnh và ra viện, 119 ca đang điều trị, 01 ca tử vong. Ca mắc đầu tiên được ghi nhận tại xã Tiến Thủy vào ngày 11/7/2022. Các ca mắc đã được ghi nhận tại 11 xã. Trong đó có 04 xã đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 03 xã có ca mắc mới ghi nhận vào đầu tháng 9 (Quỳnh Thắng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thạch). Hiện số ca mắc mới trung bình 4,2 ca/ngày.
Tại thị xã Hoàng Mai, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 62 ca (12 ca ngoại lai; 50 ca nội tại); 23 ca đã khỏi bệnh và ra viện, 39 ca đang điều trị. Ca mắc đầu tiên được ghi nhận tại phường Quỳnh Dị vào ngày 26/5/2022. Các ca mắc đã được ghi nhận tại 5 phường (Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Thiện, Mai Hùng, Quỳnh Lộc).
Để triển khai phòng, chống dịch SXH, ngành Y tế Nghệ An và các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có dịch SXH lưu hành hàng năm; giao thông điều kiện địa lý, khí hậu thích hợp cho véc-tơ truyền bệnh SXH du nhập, sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, ý thức người dân, nếp sống, đặc thù ngành nghề của người dân có nhiều điều kiện thuận lợi cho véc-tơ phát triển.
Một số địa phương, sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức xã hội còn thiếu quyết liệt. Các chiến dịch, hoạt động phòng chống dịch tại địa phương chưa được duy trì lâu dài, thường xuyên… Đây chính là những lý do khiến SXH ở Nghệ An bùng phát.