Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:25
RSS

Hà Nội hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân

Thứ ba, 06/09/2022, 08:34 (GMT+7)

TP. Hà Nội trích kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn, mức 10-30% tùy nhóm.


Ảnh minh họa.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP. Hà Nội quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.   

Theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Cụ thể, hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác (mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025. Kinh phí hỗ trợ sẽ trích từ ngân sách quận, huyện, thị xã. 

Bên cạnh đó, riêng năm 2022, đối với các huyện, thị xã khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ gửi Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách.

Đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm); người tham gia khác bao gồm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm mức đóng…

Để chính sách sớm đến với người lao động, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện.

Cùng với đó, các đơn vị cần mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội ở các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các cơ quan có liên quan khi thực hiện chính sách hỗ trợ phải công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ.

Chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam ra đời năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động.

BHXH tự nguyện có hai chế là hưu trí và tử tuất, gồm: Hưởng lương hưu hàng tháng, nhận trợ cấp một lần, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần, quyền lợi khám và chữa bệnh BHYT.

Đối tượng có thể mua BHXH tự nguyện là những công dân đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nào.

 

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại