Thứ năm, 23/01/2025 | 20:17
RSS

NFT là gì? Có nên đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Thứ ba, 15/11/2022, 09:32 (GMT+7)

Trong 2 đến 3 năm trở lại đây, sự bùng nổ của NFT làm cho ngày càng nhiều người quan tâm tìm hiểu.

Sự kiện:
NFT

Các lĩnh vực âm nhạc, trò chơi điện tử hay các tác phẩm nghệ thuật đều có thể xuất hiện dưới dạng NFT. Bên cạnh việc sưu tầm, NFT cũng được giao dịch với mục đích đầu tư sinh lời hấp dẫn như các hình thức đầu tư giao dịch ngoại hối hay tiền mã hóa (Bitcoin).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về NFT là gì và cách hoạt động ra sao. Bên cạnh đó cũng cung cấp cho bạn một vài điểm khác nhau cơ bản giữa NFT và crypto để bạn nắm rõ hơn khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này.

NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, tạm dịch là Token không thể thay thế. Không thể thay thế ở đây có nghĩa mỗi NFT đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị và không thể hoán đổi cho nhau. Chính tính chất này đã làm nên sự thu hút mạnh mẽ của NFT đối với những nhà sưu tầm, nghệ sĩ hay những người muốn sở hữu cho mình một tài sản duy nhất không ai có.

Dễ hiểu hơn, NFT chính là tài sản ảo hoặc phiên bản mã hóa của tài sản thực dưới dạng tập tin kỹ thuật số ứng dụng công nghệ blockchain.

NFT được lưu trữ ở đâu?

Thông thường, chúng ta thường biết đến NFT được tạo ra và lưu trữ trên các chuỗi khối (blockchain). Nhưng thực ra, ngoài được lưu trữ trên chuỗi thì NFT cũng được lưu trữ ngoài chuỗi.

Ethereum là nền tảng blockchain đầu tiên hỗ trợ NFT với tiêu chuẩn ERC-721 và được biết đến rộng rãi nhất. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của NFT, ngày càng nhiều nền tảng hỗ trợ NFT như Bitcoin Cash, Cardano, FLOW, GoChain hoặc Tezos.

NFT khác gì so với Bitcoin?

NFT và Bitcoin (hay tiền mã hóa) có điểm giống nhau là đều được tạo trên nền tảng blockchain nên mang tính phi tập trung và ẩn danh. Do đó cũng có được độ bảo mật cao. 

Tuy vậy, NFT lại có tính chất rất khác so với tiền mã hóa trên phương diện cách thức giao dịch, cũng như tính thanh khoản và đối tượng quan tâm. Một số điểm khác nhau có thể được kể như sau:

  • Về hình thức giao dịch: tiền mã hóa có thể được giao dịch trên các sàn giống như đầu tư vào chứng khoán hay Forex. Trong khi đó, việc giao dịch NFT lại mang tính chất sưu tầm từng sản phẩm (giống như cách người ta tìm mua và sưu tầm các cổ vật). Sở hữu NFT được xem như sở hữu các tác phẩm độc đáo.
  • Tính thanh khoản: đồng bitcoin có tính thanh khoản cao hơn vì mọi người có thể dễ dàng mua bán loại tiền mã hóa này và giá trị của bitcoin sẽ phụ thuộc vào giá thị trường. Trong khi đó, một NFT không hề có giá thị trường mà phụ thuộc vào giá trị của sản phẩm do người bán định giá.
  • Về mục đích sở hữu: hầu hết các nhà đầu tư bitcoin mua bán loại tiền mã hóa này để đạt được mức sinh lời hấp dẫn. Còn với những người tìm đến NFT, họ mong muốn thể hiện tính chủ quyền đối với tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật để thỏa mãn đam mê.

Làm sao để mua và bán NFT?

Hiện nay, có nhiều phương thức để có thể sở hữu một NFT. Các sàn giao dịch NFT còn được gọi là NFT Marketplace - nơi nhiều nghệ sĩ và những người quan tâm có thể truy cập để trao đổi các tài sản kỹ thuật số. Trong NFT Marketplace, người chơi cũng có thể sưu tầm sau đó bán lại cho nhà sưu tầm khác.

Một số nền tảng giao dịch NFT nổi tiếng hiện nay như:

  • Các nền tảng NFT Marketplace mở: đây là các sàn để người dùng có thể tự tạo NFT, thu thập và mua bán để thu lợi nhuận. Các sản phẩm trao đổi trên sàn giao dịch mở cũng đa dạng, từ tranh ảnh, bài hát, tác phẩm nghệ thuật hay tên miền.
  • Nền tảng giao dịch NFT chọn lọc: đại diện cho nền tảng giao dịch chọn lọc là Foundation. Đây là nơi nhiều nghệ sĩ và nhà sưu tập mua bán trao đổi, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trên nền tảng Ethereum. Người tạo NFT sẽ nhận 85% giá bán và sau đó có thể nhận thêm 10% tiền bản quyền nếu tác phẩm được bán lần tiếp theo.
  • Nền tảng giao dịch đồ sưu tập: có thể kể đến nền tảng giao dịch đồ sưu tập CryptoPunks. Người sưu tập sẽ mua bán trên trang web của chính dự án này.

Cách tự tạo một NFT cho mình

Người ta thường đúc ra các NFT dựa trên các vật phẩm hữu hình và vô hình, bao gồm tác phẩm nghệ thuật, gif, video highlight, bộ sưu tập, vật phẩm game, sản phẩm âm nhạc, thậm chí là một dòng tweet trên twitter.

Để tạo một NFT cho mình cũng rất đơn giản, bạn có thể sử dụng một trong các blockchain Ethereum, BNB Chain hay Solana. Sau đó thực hiện các bước:

  • Thiết lập ví: bạn cần chọn và tải một ví kỹ thuật số, sau đó thiết lập các bước cần thiết như đồng ý điều khoản, tạo mật khẩu và xác minh.
  • Kết nối ví: bạn cần nạp một số lượng ETH nhất định vào ví, sau đó vào nền tảng NFT đang dùng và kết nối với ví.
  • Tạo NFT: sau khi đã kết nối ví, bạn sẽ đến trang tạo NFT để bắt đầu. Tùy vào tài sản mà bạn đang có và muốn biến chúng thành định dạng kỹ thuật số như đoạn âm thanh, hình ảnh. Ngoài ra, một số nền tảng còn cho chức năng tạo một bộ sưu tập NFT như OpenSea.
  • Cuối cùng bạn bấm vào nút tạo để được chuyển đến trang mới, tải lên tệp của mình và đặt tiêu đề. Bạn cũng có thể chèn URL đến các trang cá nhân hay mạng xã hội của bạn để giới thiệu cho sản phẩm NFT này.
PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại