Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:27
RSS

Nên hay không trang bị súng trường, súng tiểu liên cho CSGT?

Thứ tư, 15/07/2020, 14:27 (GMT+7)

Theo Thông tư 65 của Bộ Công an có hiệu lực ngày 5/8 tới, CSGT làm nhiệm vụ sẽ được trang bị thêm một số công cụ hỗ trợ mới, trong đó có súng khiến dư luận xôn xao bàn tán những ngày qua.

Theo Thông tư 65 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 5/8 tới), CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khoá số 8.

Các quy định này phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng. Có nghĩa là Thông tư 65 chỉ cụ thể hóa quy định về trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT. Nhưng vì sao quy định nói trên vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều?

Điều mà nhiều người lo ngại nhất chính là việc lạm dụng sử dụng vũ khí trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT; việc nổ súng nơi đông người có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người khác...

Tuy nhiên, liệu CSGT có dám tùy tiện nổ súng, khi mà Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định rất rõ 11 trường hợp CSGT được nổ súng, trong đó có 5 trường hợp phải cảnh báo trước và 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo? Đây có lẽ là thông tin mà chắc hẳn không nhiều người biết, nên vẫn nghĩ rằng khi được trang bị thì CSGT có thể nổ súng bất cứ khi nào.

Trang bị súng trường, súng tiểu liên cho CSGT để làm gì?
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Cục CSGT, trong 4 năm qua, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện bắt giữ hàng nghìn đối tượng phạm pháp hình sự, thu giữ 1.960 bánh heroin, 608.446 viên ma túy tổng hợp, 388kg ma túy đá...; tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, đã có nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.

Theo báo giao thông việc trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho CSGT là cần thiết, nhằm giúp cho lực lượng CSGT thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên tuyến, địa bàn giao thông, góp phần bảo đảm sự bình yên của xã hội.

Cho ý kiến về dự thảo thông tư, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhìn nhận trên Lao Động Online rằng: Thời gian qua cho thấy, hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi và manh động hơn. Thực tế cho thấy, không chỉ có lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm mới bắt tội phạm mà CSGT cũng bắt rất nhiều tội phạm. Trong đó có nhiều tội phạm về ma túy xuất hiện trên đường phố hay nhiều đối tượng côn đồ, manh động khác sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ. Do đó quy định về việc trang bị vũ khí cho CSGT là điều cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho rằng, khi trang bị súng cần có các quy định cụ thể về kế hoạch công tác ghi rõ các phương tiện và công cụ hỗ trợ, súng quân dụng. Các quy định về nơi quản lý vũ khí, vũ khí được sử dụng khi đi làm việc, làm nhiệm vụ và phải để về nơi quy định khi hết giờ làm việc… Việc sử dụng vũ khí cũng được quán triệt đúng theo tinh thần và các quy định của pháp luật

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho Lao Động hay rằng, việc trang bị vũ khí nóng như súng cho CSGT là cần thiết. Đặc biệt, khi CSGT thực nhiệm vụ nhất là tuyến tuần tra phức tạp về an ninh trật tự hay có vấn đề về hoạt động vê tội phạm ma túy như các tỉnh biên giới, các tuyến đường giáp vùng biên thì điều này là rất cần thiết.

Cùng với việc trang bị vũ khí, ông Hồng cho rằng, lực lượng được giao vũ khí, thiết bị cần có quy định chặt chẽ về việc huấn luyện, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về việc sử dụng súng. “Để đảm bảo hiệu quả, an toàn và phát huy được tác dụng của việc trang bị vũ khí này, việc trang bị phải được lựa chọn kỹ càng, có trong các kế hoạch tuần tra kiểm soát chứ không thực hiện một cách tùy tiện. Các trường hợp được nổ súng đã có quy định rất rõ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chứ không phải “thích thì nổ” - ông Hồng nói.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN