Sáng 18/10, nguồn tin riêng của PV Thanh Niên cho biết bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) vừa tử vong vào đêm qua (17/10) sau khi đặt túi ngực tại Bệnh viện thẩm Mỹ EMCAS (Q.10, TP.HCM).
Theo nguồn tin, bệnh nhân được 1 bác sĩ đưa từ bên ngoài vào Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS thực hiện đặt túi ngực.
Lúc 16 giờ 20 ngày 17/10, bệnh nhân được gây mê và đặt túi ngực qua đường nách, sau 45 phút thì hoàn thành. Bệnh nhân đi lại và ăn uống, sinh hoạt bình thường. 5 giờ sau đặt túi ngực, bệnh nhân diễn tiến ngưng tim, ngưng thở.
Mặc dù được cấp cứu nhưng không hiệu quả nên Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS đã chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 22 giờ ngày 17/10. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không thể cứu được.
Thi thể bệnh nhân sau đó được chuyển đi giám định pháp y. Thông tin chẩn đoán ban đầu cho biết bệnh nhân bị sốc thuốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS bệnh nhân có khả năng bị đột tử.
Sáng 18/10, trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đã tiếp nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (phường 12, quận 10, TP.HCM). Sở Y tế đã cử thanh tra xuống hiện trường để xác minh, niêm phong thuốc, hồ sơ để điều tra vụ việc.
Theo ghi nhận của Zing.vn, vào 10h ngày 18/10, Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS hoạt động bình thường. Một số khách hàng vẫn đến thăm khám và đặt lịch. Khi phóng viên liên hệ làm việc, nhân viên lễ tân cho biết lãnh đạo không có ở bệnh viện nên chưa thể cung cấp thông tin.
TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho hay phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là phương pháp thông dụng, có độ an toàn cao nhưng tiềm ẩn rủi ro.
Chọn địa chỉ thẩm mỹ tin cậy là nguyên tắc rất quan trọng. Thực tế, nhiều vụ tai biến, thậm chí khách tử vong do làm tại các cơ sở mà người thực hiện thiếu kinh nghiệm.
Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất là gây tê và gây mê. Thường gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trang thiết bị đầy đủ.
Việc gây tê không thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ đe dọa tính mạng khá cao.