Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:31
RSS

Nam sinh lớp 9 tử vong sau 1 tháng bị chó dại cắn

Thứ sáu, 27/05/2022, 11:34 (GMT+7)

L. được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mệt, đau nhiều ở vùng chân do bị chó dại cắn vào hai tháng trước đó. Qua thăm khám, các bác sĩ giải thích với người nhà đã vô phương cứu chữa, L. tử vong chỉ sau ít giờ về nhà.

Nam sinh lớp 9 tử vong sau 1 tháng bị chó dại cắn

Ảnh minh họa

Trao đổi với Dân trí ngày 26/5, ông Trần Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ việc một nam sinh tử vong vì bị chó dại cắn.

Nạn nhân là em Cao Nhật L. (SN 2007), trú thôn 2, xã Thạch Hóa, đang học sinh lớp 9 ở Trường THCS Thạch Hóa. Trước đó khoảng 1 tháng, L. đang chơi bóng đá thì bất ngờ bị chó dại lao tới cắn. Sau khi bị cắn, L. thấy đau ở vùng chân nhưng không báo cho gia đình biết. Hai ngày sau, con chó cắn cháu L. cũng bị chết.

Đến sáng 26/5, L. thấy trong người rất mệt, đau nhiều ở vùng chân do bị chó dại cắn, có biểu hiện sợ gió, cháu L. được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ giải thích với người nhà do bệnh để quá muộn nên vô phương cứu chữa. Sau ít giờ được đưa về nhà bệnh nhân đã tử vong.

Nguồn tin trên báo Người lao động cho biết, đây là ca thứ 4 bị chó dại cắn tại Quảng Bình từ cuối năm 2021 đến nay, tất cả đều không qua khỏi.

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh dại trên người có thể dự phòng nhờ tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau bị con vật cắn.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khiến suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ nên không tiêm vaccine dại khi bị chó cắn. Đến khi phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.

Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Thời gian ủ bệnh, phát bệnh tùy người, có trường hợp vài tuần, có người vài tháng sau hoặc cả năm sau khi bị cắn mới lên cơn dại.

Các bác sĩ khuyến cáo người nuôi chó mèo cần tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ. Khi nghi ngờ người nhà tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở, cần đưa đi tiêm phòng dại ngay theo đúng phác đồ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại