Là một trong 99 viên chức hạng IV được Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội công bố hưởng khoản trợ cấp trong gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nghệ sĩ Thiện Tùng bày tỏ quan điểm về những tranh cãi của dư luận.
Theo anh, đây là gói hỗ trợ của Chính phủ cho những nghệ sĩ có mức lương thấp bậc IV và phòng hành chính của các Nhà hát lên danh sách dựa theo bậc lương đúng theo Chỉ thị, không hề cảm tính và cá nhân các nghệ sĩ cũng không xin được. Bản thân các nghệ sĩ nhiều người cũng không biết mình có trong danh sách này.
Nghệ sĩ Thiện Tùng cho rằng, chẳng ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh phải hỗ trợ.
Nói về danh sách 99 người mới được công bố, nam diễn viên "Cả một đời ân oán" cho biết: "Tất nhiên, có người khó khăn, cũng có người không. Nhưng đây là theo chính sách. Lãnh đạo của Nhà hát cũng không được phép gạch tên họ ra vì đó là quyền lợi của mỗi người. Còn việc hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn sẽ thuộc về vấn đề của Công đoàn Nhà hát. Chỉ Công đoàn mới sát sao nhất đời sống của mỗi người.
Bản thân tôi vào biên chế hơn chục năm, lương cứng cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Mỗi buổi diễn, chúng tôi được thêm khoảng 100 nghìn bồi dưỡng, phục vụ. Kể cả khi không có tiền, chúng tôi cũng phải diễn để phục vụ bà con, phục vụ các chương trình chính trị.
Sự quan tâm này của Nhà nước với các nghệ sĩ là thiết thực. Nhà nước quan tâm những viên chức mà Nhà nước quản lý, hỗ trợ những người có bình quân lương thấp. Nhà nước có nhiều gói hỗ trợ. Có gói cho người nghèo, cho người nằm trong vùng dịch…"
NS Thiện Tùng và Hồng Diễm trong "Cả một đời ân oán"
Diễn viên Thiện Tùng nhấn mạnh: "Tất nhiên, chẳng ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh phải hỗ trợ. Nhưng đó là chính sách và những ai trong điều kiện được nhận thì đó là quyền lợi, còn nhận rồi làm gì là việc của người ta. Bởi thế, tôi thấy những tranh cãi thực ra không đáng. Nhà nước đâu thể đi từng nhà để biết ai giàu, ai nghèo? Cũng như khi Chính phủ tạo điều kiện điều trị miễn phí cho những người F0 thì người nghèo và người giàu cũng như nhau.
Nói người nọ, người kia nhiều tiền chỉ là vô chừng. Mức lương thực tế họ nhận được từ nhà hát chỉ có vậy, còn kiếm được thêm thu nhập từ bên ngoài tới đâu là tài năng của mỗi người. Số lượng người như vậy cũng chỉ có vài người".
Cũng theo nam nghệ sĩ, bản thân anh cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn tự bỏ tiền túi làm những chương trình từ thiện, nhưng đó là việc riêng của mỗi người.
"Với nghệ sĩ, mức lương thực sự rất thấp. Nếu không vì tình yêu, nhiều người sẽ không thể trụ được với nghệ thuật vì quá khó khăn. Đợt dịch vừa rồi, nhiều nghệ sĩ ở nhà hát chúng tôi phải đi làm shipper, bán hàng online… kiếm sống. Ở Nhà hát kịch Hà Nội, từ năm ngoái, anh em nghệ sĩ cũng tự bỏ tiền đóng góp cho những người thực sự khó khăn hơn", nghệ sĩ Thiện Tùng cho biết.
Được biết trước đại dịch, Nhà hát múa Rối Thăng Long có 6-10 buổi diễn/ngày để phục vụ khách trong nước và quốc tế
Cũng liên quan đến gói hỗ trợ, theo NSƯT Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: "Khi nhận được tiền hỗ trợ khó khăn cho các nghệ sĩ, lãnh đạo Nhà hát cũng như các nghệ sĩ vô cùng phấn khởi, cảm kích trước sự quan tâm, chăm lo chu đáo kịp thời của lãnh đạo cấp trên đã dành cho các nghệ sĩ. Trong lúc này, một miếng khi đói bằng một gói khi no, xúc động lắm".
Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang tiếp tục triển khai, lên danh sách, báo cáo và xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về số lượng, danh sách đối với các đối tượng thụ hưởng là viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, đến nay đã có 302 người.