Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:02
RSS

Mức án nào cho đối tượng bắn người đi đường nhập viện ở Hà Nội?

Thứ hai, 18/05/2020, 10:28 (GMT+7)

Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Tuấn Dũng (SN 1981, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), kẻ dùng súng bắn hơi bắn người đi đường ở Hà Nội.

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Tuấn Dũng (SN 1981, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) để điều tra làm rõ hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo cảnh sát, Dũng kê súng lên cửa sổ và ngắm, bắn người đi đường, mỗi lần bắn từ 2 - 3 viên đạn chì. Do bắn quá nhiều lần xuống dưới nên Dũng không biết có ai bị thương không, nhưng những người trúng đạn thường vào quần áo, Dũng thấy họ chỉ nhìn về hướng đạn và sau đó bỏ đi.

Cho đến khoảng 10 giờ sáng 6/5, sau khi bắn trúng một người đi đường, Dũng thấy sự có mặt của Công an nên đã nhờ bạn đến mang súng đi cất giấu, bản thân Dũng bỏ trốn ngay sau đó. Khi bạn đến nhà Dũng lấy súng thì bị lực lượng chức năng bắt giữ, còn Dũng bị bắt khi đang lẩn trốn tại khu vực ngõ 91 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cách nhà khoảng 2 km.

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho báo Gia đình Việt Nam biết rằng hành vi của đối tượng biểu hiện sự lệnh lạc về tâm lý, vô cớ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ nên cần thiết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Mức án nào cho người đàn ông kê súng hơi lên cửa sổ ngắm bắn người đi đường?
Chân dung đối tượng Vũ Tuấn Dũng. Ảnh: Tổ quốc

Theo Luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý đúng tội danh, Cơ quan điều tra sẽ dựng lại hiện trường, trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn về loại vũ khí, đạn bắn, cự ly, khoảng cách từ vị trí đối tượng bắn đến nơi nạn nhân trúng đạn.

"Nếu kết luận giám định xác định với vị trí, khoảng cách súng bắn đến nạn nhân mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự. Nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự", Luật sư Thơm phân tích.

Còn nếu kết luận giám định xác định từ vị trí, khoảng cách súng bắn đó đến các nạn nhân không gây nguy hiểm đến tính mạng thì với hậu quả thương tích thực tế gây ra, đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Tỷ lệ thương tích của các nạn nhân sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS", Luật sư Thơm nhận định.

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông luật) cho báo Tổ quốc biết, với hành vi sử dụng súng hơi bắn chim để gây thương tích, đối tượng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự Tội "chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ".

Theo đó, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, theo Điều 134 Bộ luật hình sự, Tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", nếu việc dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30 % thì sẽ phải đối diện án phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.

"Trường hợp này, Dũng lấy người đi đường để tập bắn, hành vi của đối tượng là quá man rợ, coi thường tính mạng con người. Cơ quan tố tụng nên áp dụng khung hình phạt cao nhất để xử lý nghiêm, răn đe", luật sư Bình nêu quan điểm.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN