Nếu trả bạn 3 vạn đồng (xấp xỉ 98 triệu đồng) một ngày để làm việc ở nhà tang lễ, làm những công việc như nhặt và khâu từng mảnh thi thể của những nạn nhân chết do tai nạn giao thông thì bạn có dám làm không?
Ở Trung Quốc có một ngành học gọi là ngành công nghiệp và quản lý tang lễ hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên này sẽ làm một nghề mà hầu hết mọi người đều cảm thấy sợ hãi và ít có thiện cảm: nghề nhập liệm cho người chết.
Một số người nghe câu hỏi thì cười nói, nghề gì thì nghề, miễn là lương thiện, chứ một ngày kiếm được cả núi tiền thế thì chẳng tội gì mà không làm. Nhưng thực tế khi làm nghề, hàng ngày bước vào nhà xác, phải đối mặt với căn phòng toàn thi thể, đeo găng tay dày rồi mà chạm vào họ vẫn cảm thấy được cái hơi lạnh toát ra.
Thậm chí trong số các thi thể, nhiều người qua đời do bệnh nặng, ốm lâu ngày, trên cơ thể mặt mũi đầy những vết loét, có cả dòi bọ rồi bốc mùi hôi tanh, còn một số thi thể là chết do những loại bệnh tật, virus chưa được biết đến thì không phải ai cũng dám làm.
Một sinh viên của ngành công nghiệp và quản lý tang lễ hiện đại tại Trung Quốc. Ảnh: Trí Thức Trẻ
Những trường hợp đòi hỏi đến những người khâm liệm có chuyên môn cao như trường hợp thi thể gặp tai nạn không còn nguyên vẹn phải tiến hành khâu thì mức lương quả thật rất cao, xấp xỉ 98 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh đó, ở Trung Quốc cũng có một nghề ít người dám làm là trang điểm cho người chết. Theo truyền thống Trung Quốc, nhiều gia đình mong muốn người quá cố được ra đi trong thanh thản và nguyên vẹn.
Trước khi chôn cất, họ muốn người thân mặc trang phục chỉnh tề và trang điểm nhẹ nhàng để khuôn mặt hồng hào hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Qu. luôn tận tụy với công việc của mình. Ảnh: CCTV
Qu. là chuyên gia trang điểm người chết, chuyên về thi thể nữ, tại nghĩa trang ở Bắc Kinh. Trong ba năm qua, cô đã tiếp xúc với hơn hơn 5.000 người chết, giúp họ trang điểm lần cuối cùng trước khi được hoả táng.
Cô gái trẻ trang điểm cho khoảng 100 người đã khuất mỗi tháng. Công việc yêu cầu rất khắc khe, nhưng có mức lương khá. Khi ngày càng nhiều gia đình biết đến công việc chuyên nghiệp này, những người như Qu. cũng được ủng hộ hơn.
Song một mức lương lớn cũng đồng nghĩa với gánh nặng tâm lý vô cùng lớn. "Sau khi làm việc, tôi thường bật đèn khi ngủ. Tôi luôn cố gắng khiến mình bận rộn khi chỉ có một mình", cô chia sẻ.