Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:23
RSS

Minh Vượng bộc bạch về những lá thư tình không dám gửi

Chủ nhật, 06/10/2019, 07:32 (GMT+7)

Nghệ sĩ hài kể chuyện thời xưa với những lá thư tình viết tay khi làm khách mời Quán thanh xuân tháng 10.

Viết thư tay là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa con người với con người. "Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ " là một hành trình đầy cảm xúc về những lá thư tay trải dài theo lịch sử, chở theo bao nhiêu thương nhớ từ cả người nhận lẫn người gửi. Quán thanh xuân tháng 10 tìm lại những ký ức đẹp đẽ ấy.

 minh vuong boc bach ve nhung la thu tinh khong dam gui hinh anh 1
Nghệ sĩ Minh Vượng.

Chia sẻ tại Quán thanh xuân tháng 10, NSƯT Minh Vượng đem đến những câu chuyện vui. Nghệ sĩ kể thời xa xưa ấy có những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót năn nỉ: “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu tá kia chắc đọc mãi mấy câu ấy cũng chán, cũng bực mình, bèn phăng thêm vào dưới: “Thư này ông đếch chuyển ngay/Để xem tình cảm chúng mày ra sao”.

NSƯT Minh Vượng bộc bạch về những lá thư tình không dám gửi, hoặc chỉ dám giữ mãi trong ngăn tủ. Còn nhà báo Phùng Huy Thịnh thì nhớ lại cái thời không có người yêu mà vẫn viết thư cho “người em gái trong tưởng tượng”. Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ kỷ niệm về những cánh thư tuổi học trò chở bao e ấp, những câu chuyện đưa thư không được hồi âm, những dư vị về thư tình thời áo trắng...

 minh vuong boc bach ve nhung la thu tinh khong dam gui hinh anh 2
Không gian Quán thanh xuân

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại những tình huống hài hước “vận chuyển” thư thời sinh viên. Chuyện truyền thư từ ký túc xá nam sang nữ, truyền từ tầng này sang tầng khác. Tụi chuyển thư đòi công, mà sinh viên tiền đâu dư dật: Được tình thì mất bánh mì... Rồi những tình cảm bị ngăn cấm chỉ có thể qua thư mà tỏ tình.

Ca sĩ Tùng Dương có cha mẹ đi học ở Liên Xô (cũ). Nhiều năm tháng dài, ca sĩ hoàn toàn chỉ biết tình hình cha mẹ qua những lá thư. Ngày gặp lại cha mẹ cũng là khi anh được sang Liên Xô biểu diễn.

Trong bộ phim “Ngày ấy mình đã yêu” (đạo diễn Khải Anh) có chi tiết Chiếc hộp ký ức. Ngoài đời, đạo diễn Khải Anh và vợ là MC- diễn viên Đan Lê cũng có một bộ sưu tập thư tay, bưu thiếp (đều do Khải Anh tự vẽ, tự viết, tự trang trí) để trong một chiếc hộp, để sau này, dù hợp tan vẫn giữ gìn.

 minh vuong boc bach ve nhung la thu tinh khong dam gui hinh anh 3|
Đan Lê chia sẻ về những ký ức qua những bức thư tay

Một bức thư tình thuở học trò sẽ được Đan Lê chia sẻ với khán giả của Quán thanh xuân: "Vậy là chúng ta sẽ cưới nhau vào lúc em 24 tuổi và mình sẽ đi tuần trăng mật, ôm nhau dưới ánh mặt trời. Sáng nay lúc ngồi ăn xôi anh cứ mong ngóng em mãi, sợ em vào trường mất thì toi. Anh háo hức muốn được nấu mì cho em ăn ngay bây giờ thì anh mới toại nguyện. Anh nhìn em ăn anh hạnh phúc lắm”.

Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 10, nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ chia sẻ ký ức về những lá thư đặc biệt trong hơn 300 bức thư đã được anh tập hợp và biên soạn trong cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h35 Chủ nhật ngày 6/10 trên kênh VTV1.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Nhà thơ Hữu Việt, NSƯT Minh Vượng, Nhạc sĩ Trương Quý Hải, MC - diễn viên Đan Lê, ca sĩ Tùng Dương.

Các ca sĩ Tấn Minh, Tùng Dương, Đông Hùng, Đan Lê … gửi tới những ca khúc Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh); Gửi em ở cuối sông Hồng (thơ Dương Soái, nhạc: Thuận Yến); Thư về với mẹ (Trương Quý Hải); Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn - Từ Linh); Mẹ tôi (Trần Tiến); Bồ câu không đưa thư (Nguyễn Văn Hiên); Gửi anh xa nhớ (Tiên Cokkie); Liên khúc Mối tình đầu - Bức thư tình đầu tiên (Thế Duy- Đỗ Bảo)…

An An
Theo Dân Việt