Đề nghị triệu tập người có lời khai buộc tội cựu Bộ trưởng
Cụ thể, sau khi Tòa án nhân dân TP.Hà Nội quyết định đưa ra xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm, phiên tòa đã phải 2 lần hoãn vì vắng mặt bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, luật sư…
Ở lần hoãn đầu tiên, vắng mặt 3 bị cáo, trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hôm qua vụ án được đưa ra xét xử lại, ông Tín vẫn vắng mặt.
Cùng với sự vắng mặt của ông Tín là sự vắng mặt của một số luật sư, giám định viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Là luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở phiên tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị hoãn tòa, tuy nhiên với một số nội dung cụ thể.
Luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị tòa triệu tập 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tòa vì những người này có lời khai buộc tội ông Vũ Huy Hoàng, nhưng theo luật sư này, những lời khai này còn nhiều mâu thuẫn.
Theo vị luật sư, ở phiên tòa ngày 7/1, khi hoãn ông cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là ông Phan Đăng Tuất, ông Lê Hồng Xanh, ông Võ Thanh Hà.
"Bởi lẽ 3 người này có lời khai được dùng làm chứng cứ cơ bản để buộc tội ông Vũ Huy Hoàng. Trong khi lời khai chưa được kiểm chứng, chưa được đối chất, hàm chứa các mâu thuẫn, thậm chí dẫn chiếu nguồn để viết thông tin không rõ ràng, minh bạch, nhưng đã buộc tội" – luật sư Thiệp nói.
Vị luật sư cho rằng, đây là vấn đề cần phải đánh giá tại phiên tòa. Lời khai của những người này quan trọng ở chỗ đã chứng minh điểm mấu chốt của vụ án, là chuyển đất công thành đất tư, là ở chỗ đã thay đổi nội dung của hợp đồng nguyên tắc sang hợp đồng hợp tác.
Với 1 nội dung rất quan trọng, quyết định đó là hợp đồng hợp tác thì cho phép Sabeco Pearl nộp tiền sử dụng đất, từ đó chuyển chủ đầu tư.
Trong khi hợp đồng nguyên tắc thì tất cả cộng tác viên, nhà góp vốn chuyển tiền để Sabeco nộp tiền sử dụng đất, và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là chủ đầu tư của dự án, và nếu làm đúng như hợp đồng nguyên tắc thì không có vụ án này.
"Sự có mặt của 3 ông trên là rất quan trọng trong đánh giá chứng cứ trong vụ án này" – luật sư Thiệp đề nghị.
Vai trò của 3 người có lời khai buộc tội ông Hoàng trong vụ án
3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đặc biệt để đề nghị triệu tập là ông Phan Đăng Tuất – cựu Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco; ông Lê Hồng Xanh – cựu Phó Tổng giám đốc Sabeco; ông Võ Thanh Hà – cựu Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco thay ông Phan Đăng Tuất chuyển công tác.
Trong vụ án này, ở giai đoạn 2012 – 2015, ông Tuất đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương để liên doanh, liên kết, thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án, tiếp nối việc liên doanh liên kết đã có từ trước của người tiền nhiệm.
Khi Sabeco chậm triển khai dự án theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuất và các thành viên Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco còn bị Bộ Công Thương có công văn yêu cầu rút kinh nghiệm, yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới để thực hiện dự án.
Việc liên doanh với doanh nghiệp nào cũng do lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định. Sau khi Bộ phê duyệt các nhà đầu tư mới để Sabeco liên doanh thành lập Sabeco Pearl.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, sau đó các sở, ngành TP.HCM tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố cho thuê đất trái quy định.
Cáo trạng thể hiện, trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương.
Ông Tuất thực hiện theo chỉ đạo, do đó chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông này.
Với ông Lê Hồng Xanh, quá trình Bộ phận quản lý vốn Nhà nước họp để thống nhất các nội dung có liên quan đến các báo cáo, đề xuất của Bộ phận đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, ông Xanh tham gia họp, ký các biên bản họp và các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư trên cơ sở văn bản chỉ đạo, phê duyệt chủ trương của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Ông Xanh không phụ trách lĩnh vực đầu tư bất động sản; bản thân ông này phải chấp hành các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Cựu Chủ tịch HĐQT, Phụ trách Bộ phận quản lý vốn Nhà nước ở Sabeco giai đoạn 2015 – 2018 Võ Thanh Hà được xác định là một trong những người thực hiện các thủ tục thoái vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Ông Hà đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về giá trị cổ phần của khu đất trong trường hợp bổ sung thêm chức năng căn hộ, nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương đã phê duyệt giá trị cổ phần làm giá sàn để đấu giá.
Quá trình thoái vốn, ông Hà nhiều lần có văn bản báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương về trình sự, thủ tục và kết quả đấu giá cổ phần, có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để hỏi…
Sau khi có ý kiến phúc đáp từ các cơ quan liên quan và chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông này và 1 người khác mới thực hiện thủ tục phê duyệt kết quả đấu giá nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.