Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:55
RSS

Lùm xùm khăn lụa Khaisilk: Hình phạt nặng nhất có thể lên tới 15 năm tù

Thứ tư, 01/11/2017, 10:07 (GMT+7)

Cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự nếu Khaisilk có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Lùm xùm khăn lụa Khaisilk: Hình phạt nào dành cho Hoàng Khải?
 Hình phạt nào dành cho Khaisilk sau vụ xùm khăn lụa gắn mác "Made in China"? Ảnh NLĐ

Thời gian gần đây, người tiêu dùng đang bàn tán xôn xao về vụ việc Khaisilk bán khăn lụa gắn mác “Made in China” ngay tại Hà Nội. Theo như lời giải thích của ông chủ Khaisilk – doanh nhân Hoàng Khải thì việc này đã bắt đầu từ những năm 1990.

Hành vi này của Khaisilk đã gây ra nhiều bất bình trong dư luận. Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã vào cuộc để làm rõ sự việc.

Trao đổi với PV báo sức khỏe & đời sống Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, thành viên Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ông vô cùng bức xúc về cách làm ăn gian dối như vậy.

Theo luật sư Tuấn Anh, hành vi của Khaisilk như trên sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả bởi nó đã bị giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất.

Bộ luật Hình sự quy định, tội lừa dối khách hàng với mức xử phạt lên đến 7 năm tù, phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng (điều 162 BLHS 1999). Nếu cấu thành tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" thì mức xử phạt lên đến 15 năm tù kèm phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (điều 156 BLHS 1999).

Theo khoản 7, điều 8 Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, phía doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm bồi thường dân sự nếu có thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng . Theo đó, thông qua tổ chức xã hội hay tự người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm vì hành vi gian lận thương mại hay lừa dối khách hàng của doanh nghiệp gây ra.

Chia sẻ với PV VOV về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà nội cho biết, theo quy định của pháp luật đối với những hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu phải ghi nhãn mác theo quy định. Xuất xứ hàng hóa phải ghi trên nhãn mác hàng hóa.

Trong trường hợp Khaisilk cắt mác “Made in China” thay bằng nhãn “Made in VietNam” là hành vi “Cố ý lừa dối người tiêu dùng”. Một số sản phẩm lụa của Trung Quốc có giá rẻ hơn so với Việt Nam. Nên đối với hành vi trên, doanh nghiệp đã vi phạm điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng, ngoài ra còn vi phạm các quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Bởi khi đăng kí nhãn hiệu bảo hộ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN