Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:40
RSS

Lùm xùm BOT QL5: Bộ GTVT nói giảm phí là việc... khó

Thứ bảy, 09/09/2017, 09:32 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ GTVT đã có những chia sẻ liên quan đến vụ lùm xùm ở BOT QL5 trong thời gian qua, theo đó nếu tiếp tục giảm phí thì dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có thể bị phá vỡ.

Lùm xùm BOT QL5

Lùm xùm BOT QL5 đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Ảnh Realtimes

Thời gian vừa qua, việc tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm BOT QL5 khiến tình trạng ở đây hỗn loạn đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Theo nhiều tài xế, việc tăng cao mức thu phí BOT nhằm hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là điều bất hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng đã khẳng định rằng việc tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) được nhà nước giao thu phí trên QL 5 từ 2009 là để bù đắp kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải để hoàn vốn làm QL 5.

Thứ trưởng Công thông tin rằng, mỗi năm cả nước chỉ thu được 5.000-6.000 tỷ đồng trên đầu phương tiện, con số này chỉ đáp ứng 50% kinh phí bảo trì hệ thống đường quốc lộ. Việc sửa chữa QL 5 phải lấy từ thu phí từ chính tuyến đường này chứ chưa bù đắp được cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nếu tiếp tục giảm phí QL5 sẽ phá vỡ phương án tài chính hợp đồng BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và dự án có nguy cơ đổ bể.

Được biết, vào năm 2009 QL5 cũ đã chuyển giao cho Vidifi quản lý và thu phí. mức phí tại thời điểm này thấp nhất là 10.000 đồng/lượt. Đến ngày 1/4/2016, Vidifi đã chính thức tăng phí tại 2 trạm BOT trên QL5, với mức thấp nhất cho xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt; cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt.

Lý giải việc điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên QL5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo ATGT trên QL5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cả dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT.

Việc tiếp tục thu phí trên tuyến đường được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trong khi người dân vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng tháng đã khiến không ít lái xe bức xúc và cho rằng, việc thu phí tại 2 trạm BOT QL5 là không đúng. Hơn nữa, mức phí hiện quá cao so với chất lượng đường bị hằn lún.

Được biết, khoản phí thu từ năm 2009 đến nay mới đủ tiền sữa chưa tuyến QL5 chứ chưa thể hoàn vốn hỗ trợ cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Phía Vidifi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chờ ý kiến chỉ đạo. Phía Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, sau khi Chính phủ chỉ đạo, Tổng cục và Vidifi sẽ triển khai.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN