Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:25
RSS

Chủ trạm BOT QL5: Chúng tôi đang thu hộ Nhà nước chứ không phải thu cho nhà đầu tư

Thứ sáu, 08/09/2017, 09:30 (GMT+7)

Chủ đầu tư BOT QL5 cho hay “Thực ra, chúng tôi đang thu hộ Nhà nước chứ không phải là thu cho nhà đầu tư BOT” và nếu bỏ trạm thu phí trên QL 5, phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ bị vỡ.

BOT QL5

Nhiều lái xe dùng tiền lẻ mua vé để phản đối  BOT QL5 (địa phận Hưng Yên) thu phí bất hợp lý​. Ảnh Tiền Phong Online.

Suốt mấy ngày qua, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng để trả phí qua trạm thu phí BOT QL5, đoạn xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) từ ngày 4-6/9 gây ách tắc trên tuyến có lưu lượng phương tiện vào diện lớn nhất cả nước này.

Lý giải về việc làm này, các chủ phương tiện cho biết: Tuyến QL 5 được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, hiện họ đã trả tiền duy tu, bảo trì đường giao thông cho Nhà nước theo đầu phương tiện. Vì vậy, việc thu phí tuyến này để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là phí chồng phí. Ngoài ra, còn có các lý do khác như: Mức phí từ 10.000 đồng/lượt đối với xe cơ sở (dưới 12 chỗ ngồi) đã tăng lên 40.000 đồng/lượt/xe cơ sở là quá cao, chủ đầu tư chưa có chính sách miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm trong khi chất lượng mặt đường xấu là không hợp lý...

Trước tình hình này, ngày 6/9, Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) - Chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh (Bộ Công an) vào cuộc. Đại diện Vidifi cho hay: “Việc người tham gia giao thông trả tiền lẻ qua trạm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc dùng tiền lẻ hay để xe giữa đường để gây rối trật tự, an ninh, gây ùn tắc giao thông theo chúng tôi là cần điều tra, làm rõ. Chính vì vậy, chúng tôi mới đề nghị Tổng cục An ninh vào cuộc”.

Hưng Yên

Tài xế và người dân quây trạm thu phí trên QL5  (địa phận Hưng Yên) trong các ngày vừa qua.

Trả lời trên báo Tiền Phong, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi thừa nhận thực tế người dân dù không sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn phải trả khoản chi phí để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ông Chiến cho hay, Vidifi được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lập ra để thực hiện dự án với mục tiêu thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Hồng và hoàn toàn phi lợi nhuận.

Để thực hiện, Vidifi vay vốn của VDB và thông qua VDB vay thêm của các tổ chức tài chính từ Đức, Pháp, Hàn Quốc. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của dự án, ngân sách hỗ trợ dự án 23% tổng mức đầu tư (để xây dựng, giải phóng mặt bằng…). Do chưa có tiền để đối ứng, Chính phủ giao quyền thu phí trên QL 5 cho Vidifi coi như một phương án tạo vốn xây dựng cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

“Thực ra, chúng tôi đang thu hộ Nhà nước chứ không phải là thu cho nhà đầu tư BOT” - ông Chiến nói. Ông Chiến cho hay, nếu bỏ trạm thu phí trên QL 5, phương tiện sẽ dồn về QL 5, bản thân QL 5 không thể chịu tải và phương án tài chính của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ bị vỡ.

“Dự án vay tiền của các tổ chức quốc tế họ liên tục giám sát; trong khi phần hỗ trợ giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn chưa bố trí được. Với việc người dân phản ứng như hiện nay, chúng tôi chịu sức ép rất lớn, buộc phải báo cáo Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ” – ông Chiến nói và cho hay đã gửi báo cáo đến Thủ tướng.

Trước đó, trong văn bản trả lời đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên ngày 14/8 vừa qua về trạm thu phí trên QL 5, Bộ GTVT cho hay, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án quan trọng, có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế đặc thù, trong đó cho Vidifi quản lý thu phí 2 trạm trên QL 5. “Việc giảm phí sẽ phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án BOT, có khả năng đổ bể, không thể tiếp tục thực hiện được dự án” – công văn của Bộ GTVT nêu.

Chiều 7/9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, ngoài việc phối hợp với lực lượng công an nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại trạm thu phí QL 5, Tổng cục đang tính toán các phương án điều chỉnh phí tại đây.

Phương án được chuẩn bị gồm 2 nội dung: Việc giảm phí tại trạm này đang được xem xét cùng toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương của Chính phủ và giảm phí đối với chủ phương tiện quanh trạm. Về điểm này, như đã nói, ông Đào Văn Chiến Chủ tịch Vidifi cam kết sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ trong quá trình lên phương án.  

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN