Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:44
RSS

Lùi thời gian áp dụng chương trình học và sách giáo khoa mới để có thể đảm bảo tính khả thi

Thứ sáu, 03/11/2017, 06:54 (GMT+7)

Chính phủ đã trình Quốc hội việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình sách giáo khoa mới cho chương trình giáo dục phổ thông.

Lùi thời gian áp dụng chương trình học và sách giáo khoa mớiBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình của Chính phủ về việc lùi thời gian áp dụng chương trình học và sách giáo khoa mới theo nghị quyết 88. Ảnh VnEconomy

Chiều 2/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, theo báo điện tử Biên phòng.

Theo đó, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai chương trình GDPT mới. Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai. Các địa phương, các cơ sở giáo dục có nhiều động thái tích cực nhằm đổi mới để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nhạ, dù Nghị quyết 88 của Quốc hội có từ cuối năm 2014 tới nay nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập.

Theo báo điện tử PL&XH, chương trình mới còn được thẩm định, thực nghiệm và ban hành chậm, chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể chậm hơn một năm so với kế hoạch. Nếu triển khai trong năm học 2018 – 2019 thì sẽ khó yên tâm về chất lượng.

Về kinh phí, chỉ mới tính toán được ở các hoạt động cấp trung ương, phía địa phương chưa được tính toán rõ nên sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc bố trí ngân sách thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn nhiều hạn chế. Chính phủ muốn bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới so với kế hoạch đã đề ra từ năm 2019 thay cho 2018, thực hiện cuối chiếu đối với cấp tiểu học (từ năm học 2019 -2020), đối với cấp trung học cơ sở (từ năm học 2020 – 2021) và đối với cấp trung học phổ thông (từ năm học 2021 – 2022), VnEconomy đưa tin.

Từ thực tế 3 năm triển khai thực hiện cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT còn nhiều hạn chế, lộ trình và tiến độ không đảm bảo. Do vậy, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất để triển khai, tránh nhiều tình trạng bất cập.

VnEconomy đưa tin, chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mới từ năm học 2020-2021, chậm lại 2 năm thay vì chỉ lùi 1 năm như phương án được trình.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN