Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:18
RSS

Luật sư phân tích vụ Giám đốc CDC Hải Dương nhận tiền, thông đồng để "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19

Chủ nhật, 19/12/2021, 13:20 (GMT+7)

Giám đốc CDC Hải Dương vừa bị khởi tố vì nhận tiền, thông đồng để "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19. Theo chuyên gia pháp lý, đối tượng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

"Ăn tiền" lúc dịch bệnh là tình tiết tăng nặng

Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh, triệt phá đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chuẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 (kit xét nghiệm Covid-19), xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Cơ quan này cũng đã khởi tố Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến và nhiều đồng phạm khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ án bị triệt phá tiếp tục là một thông tin gây chấn động liên quan ngành y tế, cho thấy sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống của một số cán bộ trong ngành này và việc phạm tội có tổ chức là rất rõ ràng.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, vụ án này đã làm rõ nguyên nhân quan trọng khiến giá xét nghiệm Covid-19 tăng cao, đó là do các đối tượng đã vi phạm pháp luật trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho việc xét nghiệm làm giá cả đầu vào tăng cao, người xét nghiệm phải trả chi phí rất lớn.


Việc Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận tiền, thông đồng để "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19 trong lúc dịch bệnh được chuyên gia pháp lý đánh giá là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ảnh: BCA

Theo vị luật sư này, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, việc lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là hành vi đáng lên án, là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Kết quả điều tra xác định, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyển, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.


Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt được xác định đã chia phần trăm cho Giám đốc CDC Hải Dương 30 tỷ, theo luật sư Đặng Văn Cường, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc này đã thỏa mãn việc đưa, nhận hối lộ hay không. Ảnh: BCA

"Số tiền hưởng lợi như vậy là rất lớn, hành vi trục lợi trên nỗi sợ hãi, lo lắng của cộng đồng là rất đáng lên án. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong những tình huống như thế này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Đưa hối lộ", theo Điều 364, Bộ luật Hình sự và tội "Nhận hối lộ", theo Điều 354, Bộ luật Hình sự hay không để tiếp tục xử lý các đối tượng này về tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ"" – vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhìn nhận.

Theo luật sư Cường, với kết quả điều tra xác minh ban đầu cho thấy đã có sự thông đồng giữa doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế đối với lãnh đạo ngành y tế ở địa phương để doanh nghiệp đặc quyền, đặc lợi, được chỉ định thầu, doanh nghiệp này đã bán được số vật tư y tế.

Với hành vi, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho Nhà nước số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù.

Về việc chỉ định thầu, theo vị chuyên gia pháp lý, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ về các trường hợp chỉ định thầu được áp dụng.


Các đối tượng ở Công ty Việt Á được xác định có vi phạm liên quan vụ Tổng Giám đốc Công ty này thông đồng, nâng giá kit xét nghiệm Covid-19. Ảnh: BCA

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì các gói thầu "mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách" sẽ tiến hành chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu rộng rãi.

"Tuy nhiên việc chỉ định thầu cũng phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu" - ông Cường nói.

Cần phải thanh lọc cán bộ

Trong vụ án này, theo vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người có vai trò chính có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Các bị can thực hiện vai trò giúp sức tích cực, hưởng lợi lớn cũng sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc.

Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mở rộng điều tra đối với các địa phương khác, để làm rõ các sai phạm có liên quan của các bị can, giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật.

Quá trình điều tra nếu cứ có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế... thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với các những người vi phạm theo quy định của pháp luật.


Theo chuyên gia pháp lý Đặng Văn Cường, ngoài việc kiểm tra sát sao, việc thanh lọc cán bộ thoái hóa, biến chất cũng là một việc làm rất quan trọng để hạn chế việc vi phạm. Trong ảnh là nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương Nguyễn Mạnh Cường, người cũng vừa bị khởi tố với Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Ảnh: BCA

"Vụ án này một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp "sân sau" đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, suy thoái đạo đức của cán bộ, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy quy định của pháp luật và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm" - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo luật sư Cường, để xử lý những tồn tại liên quan, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Cần có quy định về bên thứ ba có đủ năng lực, trình độ và thẩm quyền để kiểm tra giám sát các trường hợp đấu thầu, chỉ định thầu, quy trình thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu.

"Cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra giám sát sẽ theo dõi suốt quá trình từ khi xác định đấu thầu hay chỉ định thầu. Giám sát hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, kiểm tra hồ sơ và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Việc hoàn thiện chính sách và pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu là cần thiết. Đồng thời, cần phải thanh lọc đội ngũ cán bộ" - luật sư Cường nhận định.

Với các cán bộ không đủ năng lực phẩm chất, suy thoái về đạo đức, cấu kết với doanh nghiệp "sân sau" để bòn rút của công, theo vị luật sư, phải xử lý nghiêm các trường hợp này.

Ngoài ra, việc công khai minh bạch trong hoạt động mời thầu, công bố kết quả đấu thầu cũng là vấn đề quan trọng để có sự cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho đơn vị mời thầu và để nhân dân giám sát hoạt động đấu thầu.

"Đặc biệt là giá cả các vật tư, thiết bị y tế cần phải được công khai một cách chính xác, xác định được giá thị trường để tránh trường hợp các đối tượng thổi giá, trục lợi như các vụ án gần đây" - vị luật sư nêu quan điểm.

"Có hai vấn đề quan trọng là hoàn thiện chính sách, pháp luật về đấu thầu, siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động này.

Đồng thời phải làm tốt công tác cán bộ, phải lựa chọn các cán bộ có đủ năng lực phẩm chất, trình độ giữ những cương vị, vị trí quan trọng, trong đó có việc quyết định đến hoạt động mua sắm thiết bị vật tư y tế" - luật sư Đặng Văn Cường nói thêm.

Thủ tục chỉ định thầu rút gọn

Đối với những trường hợp mà gói thầu được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013, trừ các trường hợp đối với các gói thầu cần đảm bảo thực hiện để bảo đảm đối với bí mật Nhà nước thì sẽ được áp dụng đối với quy trình như sau:

Phía bên chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp thực hiện dự án thầu thì sẽ có trách nhiệm quản lý đối với những gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đầy đủ điều kiện về năng lực, về yếu tố đối với kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu đó. Tiếp theo trong vòng 15 ngày kể từ ngày gói thầu được tiến hành giao thầu, các bên phải đảm bảo tiến độ đối với việc hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và tiến hành việc gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung đối với những công việc cần thực hiện, đảm bảo đối với thời gian thực hiện, đối với chất lượng công việc cần đạt được và những giá trị tương ứng để thương thảo, để thực hiện hoàn thiện hợp đồng.

Trên cơ sở kết quả thương thảo đối với hợp đồng, thì phía bên chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp thực hiện dự án sẽ phải có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu mà đã được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Việc công khai kết quả chỉ định thầu được quy định cụ thể và thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 và điểm c khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Trường hợp gói thầu được chỉ định trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54, Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau: Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, vào dự toán được duyệt, vào phạm vi công việc để tiến hành chuẩn bị và thực hiện việc gửi dự thảo đối với hợp đồng trong nhà thầu mà được bên chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra và xác định đối với năng lực đưa ra là đảm bảo tiến độ cũng như kinh nghiệm của nhà thầu đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà gói thầu đưa ra. Các bên sẽ tiến hành dự thảo đàm phán và ký kết hợp đồng.

Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm đảm bảo các yêu cầu về phạm vi, về thời gian thực hiện, về chất lượng công việc cần đạt mà gói thầu yêu cầu, về vấn đề đối với nội dung công việc cần đảm bảo thực hiện và cuối cùng là về giá trị tương ứng và một số nội dung cần thiết khác mà đặt ra đối với gói thầu đó cần phải đảm bảo.

Trên cơ sở đối với dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và bên nhà thầu được đề nghị tiến hành chỉ định thầu sẽ thực hiện việc tiến hành thương thảo, thực hiện việc hoàn thiện đối với hợp đồng và trên cơ sở đó sẽ tiến hành phê duyệt kết quả thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.

Cuối cùng khi tất cả các khâu đã được thực hiện cũng như đã được đảm bảo về mặt nội dung thì sẽ thực hiện tiến hành việc ký kết hợp đồng.

 

Phạm Hiệp
Theo Dân Việt