Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:32
RSS

Lớp học của 'bà ngoại'

Thứ ba, 17/05/2022, 16:17 (GMT+7)

Suốt 10 năm qua, chiều các ngày trong tuần, tại trụ sở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TPHCM) lại đông đúc trẻ em nghèo cắp sách đến học.


Bà Thủy ân cần hướng dẫn từng con chữ cho trẻ em nghèo.

Những đứa trẻ theo học tại đây không những được dạy chữ, mà còn dạy cách làm người, để các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Đổi thay phận người

Gia đình Trần Minh Tân (sinh năm 2004) và Trần Nhật Anh (sinh năm 2008) trú tại khu phố 5, có hoàn cảnh rất éo le. Bố mẹ sa vào tệ nạn ma tuý nên từ khi còn nhỏ hai anh em được một tay bà nội chăm sóc nuôi dưỡng. Tuy nhiên, bản thân bà nội lại không biết chữ, hoàn cảnh lại rất khó khăn nên Anh và Tân mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn không có điều kiện đến trường.

Thấu hiểu hoàn cảnh của hai đứa trẻ, hơn 3 năm trước, lớp học tình thương tại khu phố 5 đã nhận Tân và Anh vào học tập tại đây. May mắn, khi học được một thời gian Anh tiến bộ rất nhanh, lại có đủ giấy tờ khai sinh nên đã được theo học lớp 3 tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông. Còn người anh trai, do tuổi đã lớn nên không muốn học ở các trường phổ thông trên địa bàn mà xin được tiếp tục học tại lớp học tình thương này.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, người mà trẻ em nơi đây vẫn gọi với cái tên thân thuộc là “Ngoại Thủy” phụ trách lớp học tình thương tại khu phố 5, cho biết: “Tại lớp học có rất nhiều cháu có hoàn cảnh éo le như hai anh em Anh và Tân. Thế nhưng khi đến học tập tại đây, với sự quan tâm dạy dỗ của các thầy, cô giáo cũng như những tình nguyện viên, nhiều em nhỏ biết đến với con chữ, phép tính. Đặc biệt các em rất ngoan ngoãn và lễ phép với người lớn. Riêng đối với trường hợp cháu Tân, dù lớn tuổi nhất so với các bạn trong lớp nhưng cháu rất chăm chỉ, đến lớp học đều đặn”.

Được biết, sau một thời gian dài tạm nghỉ vì dịch bệnh, cuối tháng 3 vừa rồi lớp học tình thương khu phố 5 đã hoạt động trở lại. Theo như chia sẻ của bà Thủy, trước đây tổng số lớp có 40 cháu, sau đợt dịch covid-19 thứ 4 bùng phát, nhiều gia đình về địa bàn phường thuê trọ nên lớp học đã tăng lên 47 cháu. Trong số này có 23 cháu đang theo học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn phường Bình Trưng Đông, số còn lại do hoàn cảnh, điều kiện gia đình nên chỉ theo học tại đây.

“Đối với các cháu đang theo học tại các trường phổ thông trên địa bàn phường đa phần là những cháu có học lực trung bình, đến với lớp học tình thương các thầy, cô giáo sẽ tổ chức ôn tập bồi dưỡng kiến thức. Lớp học hoạt động từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7 thì tổ chức dạy từ 15 đến 19 giờ. Đặc biệt, buổi học ngày thứ 7 hàng tuần, ngoài học văn hóa, các giáo viên ở Học viện Đạo Đức (TPHCM) còn đến dạy các lễ giáo, phép tắc cho các cháu”, bà Thủy cho hay.


Một tiết học lễ giáo vào thứ 7 hàng tuần của trẻ em tại lớp học tình thương.

“Muốn tụi nhỏ chăm học thì phải cho chúng ăn no”

Hồi còn trẻ bà Thủy từng theo học sư phạm mầm non, tuy nhiên không may bị tai nạn phải nghỉ học giữa chừng. Một thời gian sau, bà lập gia đình và ở nhà buôn bán kiếm sống. Đến khi các con đã trưởng thành, bà chuyển nhà về phường Bình Trị Đông rồi bén duyên với công tác khu phố suốt gần 20 năm qua. Khi mới làm phó ban điều hành khu phố, bà Thủy đã đến từng ngả đường, tổ dân phố tìm hiểu cuộc sống người dân và làm quen với họ.

Từ những chuyến đi đó, bà mới biết trong khu phố 5 còn quá nhiều đứa trẻ không biết mặt chữ dù đã quá tuổi đi học. Những em này đa phần là con của các gia đình nhập cư nghèo, không có giấy tờ, không có việc làm ổn định, nhiều đứa trẻ bữa đói bữa no. Xuất phát từ tình yêu trẻ từ những ngày tháng học sư phạm mầm non, năm 2013 bà cùng với ban lãnh đạo khu phố 5 thành lập lớp học tình thương này.

Những năm đầu khi mở lớp chỉ có vỏn vẹn 7 - 8 em đến học. Vì lớp học mới thành lập nên cũng thiếu thốn rất nhiều thứ, lúc đó bà Thủy đã đi xin tập vở, quần áo cho các em. Đặc biệt, thương tụi nhỏ khó khăn, bà về bàn với các chị em trong ban điều hành lập ra bếp ăn tình thương. Từ đó, những đứa trẻ học tập tại đây được bà Thủy lo ăn, mặc, học hành… Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đến xin cho con học chỗ bà Thủy. Đến nay, lớp học đã lên đến gần 50 em với đủ mọi lứa tuổi.

Bà Thủy chia sẻ: “Hàng ngày, tôi và các tình nguyện viên đều nấu ăn cho tụi nhỏ. Muốn tụi nhỏ chăm học thì phải cho chúng ăn no và đầy đủ chất mới được”.

Từ khi thành lập lớp học tình thương đến nay, hàng trăm đứa trẻ nghèo từ chỗ không biết chữ giờ đã biết đọc, biết viết. Riêng với những trường hợp có thể làm được giấy tờ hợp lệ, bà Thủy lại chạy đôn chạy đáo hỗ trợ các em vào học tại các trường phổ thông trên địa bàn.

Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Bình Trưng Đông, cho biết, nhiều năm nay các khu trọ trên địa bàn phường có giá rẻ hơn so với các nơi khác, vì vậy có rất nhiều người dân đến thuê ở và mưu sinh. Nhiều trẻ em cũng theo cha mẹ đến đây nên việc học hành bị dang dở, nhiều em không đủ điều kiện đến trường hay được theo học ở các trường mà không theo kịp các bạn nên đã nghỉ học.

“Lớp tình thương khu phố 5 ra đời với tình yêu thương và tâm huyết của chị Thủy, các thầy, cô giáo tình nguyện viên và nhà hảo tâm đã giúp những đứa trẻ không có điều kiện đến trường biết đọc, biết viết. Đặc biệt, nhiều học sinh đang theo học ở các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn khi đến theo học tại đây cũng được ôn tập, củng cố kiến thức nên tiến bộ nhanh trong học tập”, bà Vân cho hay.

“Lớp học tình thương khu phố 5 không chỉ giúp trẻ em nghèo biết đến với con chữ, phép tính, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cũng như sân chơi cho nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ đó giúp các em nâng cao nhận thức không sa vào các tệ nạn, biết về những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống…”, bà Vân chia sẻ.

 

Hồ Phúc
Theo Giáo dục & Thời đại