Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:12
RSS

Loại bỏ ‘sản phẩm giả’ trong giáo dục

Chủ nhật, 25/04/2021, 20:01 (GMT+7)

Thông tin một số học sinh lớp 6 Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đọc, viết khó khăn đến nay vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Nhiều người cho rằng bệnh thành tích đã tạo nên những “sản phẩm giả” của giáo dục.


Ảnh minh họa.

Sự việc không phải mới

Đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng học sinh THCS không biết đọc, viết. Năm 2015, từng có trường hợp học sinh THCS tại Hướng Hóa (Quảng Trị) không biết đọc, biết viết; năm 2016 ở Sóc Trăng có trường hợp học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo; năm 2019, Trường THCS Đông Phước A (Châu Thành, Hậu Giang) dù đạt chuẩn quốc gia nhưng theo phản ánh của báo chí thì có đến 5học sinh từ lớp 6 lên lớp 7 đọc viết còn kém…

Để sự việc tương tự xảy ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc họp đánh giá nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đồng thời đã có công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng; yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên nghiêm túc tìm nguyên nhân học sinh còn yếu, thiếu kiến thức kỹ năng tối thiểu, trong đó tập trung nguyên nhân chủ quan.

Ông Nguyễn Thanh Danh- Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp cho biết, Sở đã chỉ đạo từ lâu, xuyên suốt việc không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học. Tuy nhiên, một vài Ban giám hiệu muốn thành tích trường mình “đẹp” nên không chấp hành chỉ đạo của ngành, tự đưa ra những quy định gây áp lực cho các thầy cô, do đó dù thầy cô biết học sinh yếu kém nhưng vẫn cho lên lớp. Sắp tới, Sở sẽ chỉ đạo rà soát lại và yêu cầu thực hiện nghiêm.

“Sự việc vừa rồi thật đáng tiếc, đáng trách và đáng phê bình, ngành giáo dục nhận trách nhiệm. Chúng tôi xem đây là bài học đáng giá về công tác quản lý chuyên môn của ngành, nhất là công tác tổ chức, kiểm tra, đánh giá học sinh ở một số đơn vị. Chúng tôi quyết tâm sửa sai, khắc phục một cách triệt để bằng các giải pháp cụ thể. Đồng thời, tập trung vào những nguyên nhân chủ quan như chất lượng dạy học, việc quản lý kiểm tra, đánh giá học sinh còn hạn chế, việc bồi dưỡng học sinh yếu kém có hiệu quả không. Bắt buộc phải có giải pháp mạnh mẽ trong thời gian sắp tới” -  ông Danh nói

Còn đó bệnh thành tích

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc để các HS chưa biết đọc, biết viết cứ thế lên lớp, ngồi học cùng các bạn là sự bạo lực tinh thần “rất ác” với một đứa trẻ ở lứa tuổi 10-11. Bọn trẻ chỉ cần chưa làm bài, chưa thuộc bài hay chưa hoàn thành dự án học tập thôi đã nơm nớp, lo lắng khi cô kiểm tra. Vậy mà đây còn không đọc, viết thành thạo thì sẽ lo lắng, sợ hãi đến nhường nào khi đến lớp. Có những em phải bỏ học vì sợ hãi, xấu hổ khi đến lớp. Nếu để học sinh đó đúp lại, học chậm một năm, đủ kiến thức để lên lớp thì có khi em học sinh đó đã không bỏ học.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm đã có chia sẻ, không thể hiểu nổi tại sao các em học sinh này có thể vượt qua nhiều năm học trong tình trạng không thể đọc, viết và cộng trừ cơ bản dưới sự giám sát của cả một hệ thống giáo dục từ giáo viên, hiệu trưởng, phòng giáo dục…“Điều đó chỉ có thể khẳng định rằng, bệnh thành tích giáo dục vẫn còn đang ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ những người làm giáo dục. Nhà trường thì vì danh hiệu, vì chỉ tiêu phổ cập; giáo viên thì vì thành tích, vì lương cứ “tặc lưỡi” cho qua” - theo ông Lâm.

Đây cũng là thực trạng buồn được ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp nhắc tới. Ông Tùng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Trước hết chính là bệnh thành tích trong giáo dục ở một số trường, một số địa phương. Tiếp đó phải kể tới sự vi phạm đạo đức nhà giáo của một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Hành động vi phạm này tương tự việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành giáo dục. Và còn có nguyên nhân nữa từ việc chưa thực sự quyết liệt, triệt để trước hiện tượng không phải xảy ra lần đầu tiên và duy nhất này của các cấp quản lý giáo dục.

Cách nào để khắc phục?

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Để xảy ra sự việc nêu trên, lỗi trước tiên là của giáo viên. Lỗi tiếp là của nhà trường, phòng, sở giáo dục địa phương thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra để xảy ra tình trạng trên mà không hề biết gì. Lẽ ra, giáo viên phải là người phát hiện, có trách nhiệm giáo dục, đưa học sinh tiến bộ. Trong trường hợp học sinh không thể học được cần báo cáo lên nhà trường, đưa ra những kiến nghị về giải pháp, ví dụ như lập tổ nhóm, phân công các giáo viên chuyên trách khác cùng hỗ trợ về tâm lý, kỷ luật, rèn luyện, phối hợp với gia đình… giúp học sinh tiến bộ. Chứ không phải nhà trường cứ “khoán trắng” cho giáo viên dạy học, chấm điểm, vào sổ sách và cứ thế cho lên lớp…

Ngoài ra, gia đình, các bậc cha mẹ cũng có trách nhiệm trong việc này, nếu phát hiện con học mãi không biết đọc, biết viết cần lên tiếng sớm với nhà trường, phối hợp cùng thầy cô trong việc giáo dục con.

Còn ông Nguyễn Quang Tùng thì cho rằng, ở các trường thường có những lớp ôn tập hè với quy mô nhỏ đến rất nhỏ. Ở đó, giáo viên có điều kiện kèm cặp, bổ trợ kiến thức hổng, thiếu cho từng em học sinh. Qua kiểm tra, đánh giá đủ năng lực cơ bản mới xét duyệt việc lên lớp hay lên cấp học mới. Trường hợp các em thực sự khó khăn trong tiếp nhận tri thức thì nhà trường, thầy cô phối hợp cùng phụ huynh tìm hướng đi khác cho các em. Học nghề cũng là lựa chọn tốt trong trường hợp nhiều em có khả năng thực hành kỹ năng thay vì tiếp thu tri thức khoa học.

“Lâu dài, ngành giáo dục cũng cần đa dạng hóa mô hình các trường lớp đặc biệt dành cho học sinh tiếp thu quá chậm hoặc có vấn đề về tâm lý. Thực tế hiện nay, ở nhiều trường công, tình trạng học sinh mỗi lớp quá đông thì việc tiếp nhận thêm học sinh học lại sẽ gây khó khăn không nhỏ cho giáo viên trong quá trình dạy dỗ, rèn luyện. Phía phụ huynh cần biết rõ tình trạng thực tế của con để tránh áp lực và tạo điều kiện để con em được hòa đồng cùng bạn bè” - ông Tùng nói.                

Theo Sở GDĐT Đồng Tháp, từ sau vụ việc này, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định của Bộ GDĐT, kiên quyết không để học sinh nào không đảm bảo kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà được lên lớp. Cần thiết Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra các nội dung liên quan để chấn chỉnh, khắc phục triệt để. Còn riêng 6 em không đọc được chữ, Phòng GDĐT huyện Thanh Bình đã yêu cầu thành lập một nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở trường tiểu học kèm cặp riêng cho các em. Các thầy cô THCS gia cố kiến thức cho các em ở các môn học lớp 6 để các em đầy đủ kiến thức, nếu đã cố gắng, nỗ lực mà chưa đạt thì phải để các em ở lại lớp 6.

 

TÙNG LINH
Theo Đại Đoàn Kết