Đảm bảo sức khỏe và học tập của sinh viên
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi sinh viên quay trở lại học trực tiếp, các trường đại học đều có phương án cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như công tác dạy và học của giảng viên, sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: Nhà trường đã tổ chức bộ phận Y tế Trường trực ban liên tục, hỗ trợ sinh viên từ việc phát hiện bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như đảm bảo hỗ trợ các nhu yếu phẩm, thuốc men đối với các trường hợp sinh viên thuộc diện F0 có nhu cầu.
Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã bố trí một khu vực ký túc xá dành riêng cho các sinh viên mắc Covid-19 nếu các trường hợp này gặp khó khăn trong việc cách ly. “Tinh thần của trường là đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của viên chức, giảng viên, người lao động và sinh viên. Tạo mọi điều kiện cho việc dạy và học tốt nhất”, ông Chiến cho hay.
Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội cũng cho biết thêm, phòng Y tế nhà trường luôn tổ chức cán bộ trực để tư vấn, giúp đỡ sinh viên cũng như giảng viên trong diện F0, F1.
Ban giám hiệu trường ĐH nội vụ HN luôn cố gắng đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho giảng viên, sinh viên.
Tại trường Đại học kinh tế quốc dân, ghi nhận sau 2 tuần đón sinh viên trở lại, số ca nhiễm tăng nhanh với khoảng hơn 60 ca mỗi tuần nhưng đã có dấu hiệu giảm nhiệt. “Sinh viên khi test kết quả dương tính nếu có nguyện vọng thì nhà trường sẽ bố trí vào ở trong khu cách ly. Ban đầu khu cách ly của chúng tôi chỉ mở một tầng, nhưng sau đó phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu thực tế”, ông Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, đối với những sinh viên F0 mà chủ nhà trọ không đồng ý cho các em ở, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đồng thời hỗ trợ điểm cách ly theo chính sách tương tự. “Thời điểm này, số sinh viên ở ngoài xin vào cách ly nhiều hơn số sinh viên mắc Covid-19 trong ký túc xá”, ông Nghĩa thông tin thêm.
Đặc biệt, các sinh viên trường Kinh tế quốc dân nhiễm virus SaRS-CoV2 đều được trường trợ 1 triệu đồng và được cấp phát thuốc điều trị miễn phí. Tương tự, trường Đại học Thương Mại cũng đã dành riêng 2 tầng thuộc khu ký túc xá để phục vụ cách ly các trường hợp F0. Ông Nguyễn Viết Thái – Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông trường Đại học Thương mại cho biết thêm, các sinh viên ở trọ bên ngoài hoặc tại Hà Nội nhưng gia đình không đủ điều kiện cách lý đều có thể đăng ký.
Đối với sinh viên thực hiện cách lý ngay tại nhà trọ, nhiều trường đã tổ chức đội tình nguyện giúp đỡ các trường hợp này. Điển hình tại trường Đại học Mở Hà Nội, tình nguyện viên đi tới từng nhà trọ có sinh viên F0 để phát “Gói an sinh” bao gồm nhu yếu phẩm, thuốc men. Không chỉ sinh viên, ngay cả các giảng viên cũng rất tích cực tham gia mô hình “Đi chợ giúp bạn” nhằm đảm bảo nhu cầu nhu yếu phẩm cho các “F0 đang cách ly”
Linh hoạt trạng thái dạy và học
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch, các trường hiện cũng đã linh hoạt bố trí trạng thái dạy và học nhằm đảm bảo giảng viên – sinh viên hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo.
Đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, từ ngày hôm nay, 7/3, trường đã quyết định tổ chức dạy học trực tuyến”.
Mô hình đi chợ giúp bạn tại trường ĐH mở HN được đông đảo các giảng viên, sinh viên hưởng ứng.
Trong khi đó, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các lớp học cũng đuọc bố trí học trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo tình hình thực tế. “Như lớp tôi dạy, có đến 1/2 học sinh thuộc diện F0, F1, ngoài sinh viên học trực tiếp, các bạn này vẫn có thể theo dõi giảng viên trên lớp. Tùy theo tình hình thực tế của giảng viên và sinh viên, nhà trường có những điều chỉnh hình thức giảng dạy, đảm bảo tiến độ kế hoạch đào tạo.”, ông Bùi Thành Nam – trưởng phòng Đào tạo trường này dẫn chứng.
Cũng theo ông Nam, do đã có chuẩn bị phương án cụ thể nên về cơ bản, kế hoạch học tập và giảng dạy không bị ảnh hưởng quá nhiều. “Ngay cả các giảng viên đứng lớp cũng vẫn mở máy để các em sinh viên có thể học trực tuyến” – ông Nam giải thích thêm.
Quan tâm đến đời sống tâm tư của sinh viên, bà Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng quản lý đào tạo Đại Học Ngoại thương cho biết: Ngoài việc bố trí khu cách ly riêng, trường còn đồng thời kích hoạt một loạt hệ thống để hỗ trợ sinh viên mùa dịch. Nổi bật nhất phải kể đến mô hình tư vấn hậu Covid-19 để hỗ trợ các trường hợp đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn lo lắng.
“Ban lãnh đạo đã ngồi lại để phân tích và nhận định: Tâm lý là một vấn đề rất quan trọng vì các em ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh. Vì vậy, nếu sinh viên có vấn đề cần tư vấn tâm lý, trường đều có các nhóm online, nhóm theo đơn vị với giáo viên chủ nhiệm để các em có thể chia sẻ mọi vấn đề”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đại diện trường Đại học Ngoại Thương cho biết thêm: Một số lớp tại trường đã chuyển đổi sang hình thức học online nhưng Trường thường xuyên họp các lớp trưởng, đội nhóm để lắng nghe đề xuất thiết yếu từ sinh viên.