Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:35
RSS

Lilama Hà Nội: 2 năm sau khủng hoảng

Thứ hai, 19/11/2018, 14:25 (GMT+7)

Đã có thời điểm Cty CP Lilama Hà Nội đang trong tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán. Sau 2 năm kể từ khi thực hiện cổ phần hóa, bàn giao phần vốn và nợ sang cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Lilama Hà Nội bây giờ ra sao?

Vào thời điểm 31/10/2016, Công ty CP Lilama Hà Nội đang trong tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán. Tổng công ty Lilama Việt Nam khi thực hiện cổ phần hóa đã loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp và bàn giao phần vốn và nợ sang cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiếp nhận để xử lý tài sản, thu hồi nợ thông qua các hình thức bán nợ, bán tài sản. Sau 2 năm tiếp nhận, tình trạng doanh nghiệp này đang như thế nào? PV Sở hữu Trí tuệ điện tử đã có buổi phỏng vấn ông Phan Hoài Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lilama Hà Nội - người đại diện vốn của DATC tại doanh nghiệp này. 

Lilama Hà Nội: 2 năm sau khủng hoảng

PV: Thưa ông, thực trạng Công ty CP Lilama Hà Nội trước khi DATC tiếp nhận như thế nào?

Ông Phan Hoài Hiệp: Theo Báo cáo tài chính thời điểm 30/9/2016 thì Lilama Hà Nội đang nợ quá hạn thanh toán trên 1.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 582,6 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 458 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn điều lệ. Toàn bộ vốn nhà nước và tiền cổ đông đã đầu tư (100 tỷ đồng) đã bị mất; nợ ngân hàng Agribank khoảng 200 tỷ đồng được thế chấp bằng toàn bộ tầng thương mại dự án 52 Lĩnh Nam, nợ TCT Lilama Việt Nam khoảng 200 tỷ đồng không có thế chấp.

Người lao động bị nợ lương, hơn 100 lao động đã nghỉ việc không lương và có 91 lao động đã chấm dứt HĐLĐ nhưng không thể xử lý bảo hiểm xã hội do Lilama Hà Nội đang nợ 8 tỷ đồng. Tại thời điểm này, công trình mới tạm bàn giao cho dân cư tòa nhà 18 tầng (đã thu tiền nhà của dân đến 95%) trong khi đó hạ tầng dự án như đường nội bộ, tầng hầm, các tầng thương mại từ tầng 1 - tầng 4, tầng kỹ thuật chưa được thi công, chưa hoàn thiện và còn ngổn ngang như một công trường; toàn bộ Tòa nhà 27 tầng (đã thu tiền nhà của dân đến 70%-80%) đang xây thô; toàn bộ hệ thống PCCC như thông gió hút khói, báo cháy, chữa cháy, cửa chống cháy của 2 tòa nhà 18 tầng và 27 tầng chưa được thi công lắp đặt, hệ thống thang máy tòa 27 tầng chưa có, thất lạc toàn bộ hồ sơ Dự án…

Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2013, nguyên nhân do Lilama Hà Nội thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, nguồn tiền của dự án bị sử dụng sai mục đích 207,8 tỷ đồng, công ty mất hoàn toàn khả năng thanh toán công nợ và lâm vào tình trạng phá sản; mất toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư; hạch toán treo nhiều khoản chi phí không đúng quy định dẫn tới số liệu BCTC hàng năm không minh bạch, lỗ nhưng vẫn chi cổ tức; vi phạm các quy định trong kinh doanh bất động sản như ký 221 hợp đồng góp vốn đầu tư trước khi xây dựng xong phần móng, thu của 111 khách hàng vượt 70% giá trị hợp đồng trước khi bàn giao căn hộ, ký 38 hợp đồng mua bán căn hộ khi các căn hộ trên thuộc các tầng chưa được cấp phép xây dựng… dẫn đến chậm tiến độ thi công, làm khách hàng thường xuyên khiếu kiện đông người lên các cơ quan chức năng.

Trách nhiệm gây ra các thất thoát sai phạm trên xảy ra tại các thời kỳ quản lý trước đây, trong kết luận thanh tra đã chỉ rõ.

Công ty cũng đang nợ thuế gần 180 tỷ đồng (trong đó năm 2017 Thanh tra Tổng cục Thuế vào thanh tra việc chuyển nhượng nhà máy Vnsteel Thăng Long năm 2010 và ra quyết định truy thu thuế TNDN với số tiền 74 tỷ đồng) và đã bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế không cho sử dụng hóa đơn.

Lilama Hà Nội: 2 năm sau khủng hoảng

PV: Vậy sau khi tiếp nhận, DATC đã làm gì để giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trên?

Ông Phan Hoài Hiệp: Công ty Mua bán nợ Việt Nam là đơn vị tiếp nhận lại phần vốn (49% vốn điều lệ/vốn đầu tư) và 140 tỷ đồng nợ phải thu tại Lilama Hà Nội từ TCT Lilama Việt Nam loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nhằm xử lý thu hồi. Tuy nhiên tại thời điểm tháng 5/2016, DATC đánh giá khả năng thu được rất thấp và gần như là không thu được.

Mặc dù DATC chỉ là một cổ đông nhưng trong 2 năm qua sau khi DATC cử người đại diện vốn vào tham gia quản trị điều hành thì hoạt động kinh doanh tại Lilama Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017 đã giảm mạnh lỗ so với các năm trước, năm 2018 Lilama Hà Nội bắt đầu có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thực hiện kê khai và nộp thuế phát sinh đến đâu nộp đến đó và  đều báo cáo đầy đủ về DATC.

Đối với Dự án 52 Lĩnh Nam đã được thay đổi toàn bộ: Khang trang, sạch đẹp không còn cảnh ngổn ngang công trường như trước đây. Toàn bộ tòa nhà 27 tầng đã được thi công hoàn thiện đến 98% và hơn 60% các hộ dân Tòa nhà 27 tầng đã có đơn xin nhận tạm bàn giao tại tòa nhà này. Hiện Lilama Hà Nội đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để bàn giao nhà chính thức cho dân.

Đời sống người lao động ngày càng được cải thiện, Lilama Hà Nội không còn chậm lương người lao động, người lao động được nhận lương chậm nhất vào ngày mùng 5 tháng kế tiếp. Tiền lương bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng.  Lilama Hà Nội đã giải quyết được chốt sổ BHXH trả cho người lao động được 49/91 trường hợp tồn tại khi Tổng công ty Lắp máy Việt nam bàn giao sang DATC (31/10/2018). Từ 01/2018, Lilama Hà Nội đã chuyển trả cơ quan BHXH số tiền 3,3 tỷ đồng đồng và đảm bảo đóng đầy đủ số BHXH phát sinh hàng tháng (trước đây không đóng) và trả nợ một phần nợ gốc cơ quan BHXH.

PV: Một số người dân phản ánh về vi phạm thiết kế xây dựng, cơi nới diện tích sử dụng không đúng với thiết kế tòa nhà, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Hoài Hiệp: Ngày 29/7/2013, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận thanh tra hành chính tại CTCP Lilama Hà Nội giai đoạn 2005 - 2012,  đã kết luận Lilama Hà Nội vi phạm thiết kế xây dựng, cơi nới diện tích sử dụng không đúng với thiết kế tòa nhà và thất thoát vốn, mất hết toàn bộ vốn nhà nước đầu tư; sử dụng vốn sai mục đích của dự án 52 Lĩnh Nam là 207,8 tỷ đồng.

Việc tạm bàn giao nhà đã được thực hiện từ tháng 01/2015 trong khi dự án còn dang dở như một công trường, toàn bộ tầng thương mại, tầng hầm, hạ tầng và toàn bộ tòa 27 còn chưa xây xong. Việc tạm bàn giao nhà 27 tầng từ tháng 5/2017 chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục trên theo thiết kế và căn cứ vào Đơn đề nghị được tạm bàn giao nhà của khách hàng. Theo Hợp đồng mua bán nhà được ký giữa Lilama Hà Nội và khách hàng thì điều kiện bàn giao nhà là phải đóng tới 95%, do đó việc Lilama Hà Nội thu đủ 95% trước khi bàn giao nhà là đúng quy định.

PV: Theo phản ánh của người dân, một vấn đề về việc quản lý tại KCN Quang Minh và hàng tồn kho bán Công ty DATC bán không đúng có nguy cơ gậy thiệt hại cho nhà nước khoảng 50 tỷ đồng? Vậy có hay không việc sai phạm này?

Ông Phan Hoài Hiệp: Điều này hoàn toàn không chính xác. Việc khai thác nhà máy tại KCN Quang Minh đã được 5/5 thành viên HĐQT Lilama Hà nội thận trọng xem xét phương án đảm bảo lợi ích cao nhất cho Lilama Hà nội, lựa chọn đối tác để hợp tác kinh doanh, thực hiện thẩm định giá đúng quy định trước khi thực hiện và được tổ chức thực hiện hoàn toàn công khai (niêm yết công khai thông tin, được nhiều đơn vị đã quan tâm), minh bạch thông tin, đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Điều lệ hoạt động Lilama Hà Nội.

Bên cạnh đó, HĐQT Lilama Hà Nội đã ban hành 02 Nghị quyết để thực hiện việc này. Nếu so sánh với Phương án tương tự là hợp tác kinh doanh với Công ty Phú Hà đã được Lilama Hà Nội thực hiện năm 2014 thì phương án này hiệu quả hơn rất nhiều lần.

Đối với việc bán hàng tồn kho được Lilama Hà Nội thẩm định giá trước khi chào bán, thực hiện chào bán cạnh tranh, niêm yết công khai thông tin chào bán, được nhiều nhà đầu tư quan tâm chào giá mua. Việc chào bán này được thực hiện đúng quy định tại Điều lệ hoạt động, Quy chế tài chính của Lilama Hà Nội và được Lilama Hà Nội thực hiện kê khai nộp thuế đầy đủ với Ngân sách nhà nước.

Toàn bộ nội dung này đã được Ủy ban kiểm tra Đảng ủy DATC xác minh làm rõ và đã thông báo kết quả xác minh với người có đơn thư vào tháng 4/2018.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Đăng
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo