Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:47
RSS

Liên tiếp ghi nhận ca tử vong vì bệnh dại

Thứ hai, 21/10/2024, 12:01 (GMT+7)

Cho tới nay, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao. Đáng lo ngại hơn khi thời gian qua, liên tiếp các ca tử vong vì bệnh dại được ghi nhận trên phạm vi cả nước.

Thăm khám bệnh nhi mắc bệnh dại. Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do mắc bệnh dại tại huyện Cư M’gar. Đây là trường hợp tử vong thứ 6 nghi do dại tính từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân là C.T.L. (nữ, SN 1971, trú xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, tối ngày 14/10, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng co giật, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Do tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân tử vong tại nhà ngày 15/10.

Theo người nhà bệnh nhân, trước ngày nhập viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào cẳng chân phải nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Đáng lo ngại hơn, trên phạm vi cả nước, các ca mắc bệnh dại đang có xu hướng tăng đột biến và trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 70 người chết vì bệnh dại, tuy nhiên, tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 65 ca tử vong và gần 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh dại tại các cơ sở y tế.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ chó mèo hoặc vật nuôi sang người thông qua vết cắn, cào hoặc tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Thời gian ủ bệnh dại ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, khoảng cách từ vết thương đến các dây thần kinh trung ương, thường kéo dài từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, thậm chí có người nhiều năm sau khi bị cắn mới phát bệnh dại. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn, nguy cơ tử vong càng nhanh. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, số ca tử vong vì bệnh dại chiếm phần lớn trong tổng số ca tử vong vì bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam Đa số các trường hợp tử vong do dại thường thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh, đặc biệt là không chủ động tiêm ngừa vaccine ngay sau khi bị động vật nghi dại cắn. Thực tế, mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm vaccine phòng dại, nhưng tại nước ta, trung bình mỗi năm vẫn có trên dưới 100 người tử vong vì bệnh dại. Điều đáng nói, các ca tử vong vì bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Mặc dù vậy, bệnh dại có thể được phòng ngừa bằng vaccine. Tiêm phòng cho chó, mèo là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người, giúp giảm tử vong do bệnh dại truyền từ chó, mèo. Ở người, loại vaccine tương tự được sử dụng để tiêm chủng cho những ca phơi nhiễm hoặc trước khi tiếp xúc bệnh dại.

Cục Y tế dự phòng hướng dẫn, những người bị chó, mèo cắn phải xử lý vết thương, rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vaccine uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần. Dùng vaccine dại tế bào hoặc dùng cả vaccine và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng.

Việc khám cho bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vaccine dại hoặc vaccine + huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại vaccine, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Việc giám sát, kiểm soát để thực hiện các nội dung chuyên môn là hết sức cần thiết.

Đức Trân
Theo Đại Đoàn Kết