Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri (phải) gặp Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein tại Beirut.
Trước chuyến thăm, Israel được cho là đã đưa cho Mỹ một danh sách các yêu cầu chính của mình để chấm dứt cuộc chiến đang tiến hành với Hezbollah tại miền nam Lebanon.
Tại Beirut, đặc phái viên Hochstein cho biết, Mỹ đang nghiên cứu một "công thức" để chấm dứt xung đột giữa Israel-Hezbollah, đồng thời nêu rõ, việc hai bên chỉ cam kết tuân thủ nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc, vốn đã giúp chấm dứt vòng xung đột cuối cùng giữa Israel và Hezbollah năm 2006, là không đủ.
Nghị quyết 1701 yêu cầu không duy trì quân đội và vũ khí tại miền Nam Lebanon. "Chưa có ai làm gì để thực hiện cam kết. Việc thiếu thực thi cam kết đã góp phần dẫn tới cuộc xung đột mà khu vực đang chứng kiến hiện nay", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho biết chính phủ Lebanon sẽ không chấp thuận yêu cầu của Mỹ và Israel về vùng đệm ở phía biên giới của nước này.
Tiến sĩ Lorenzo Trombetta, nhà phân tích tại Rome, nói với RIA rằng sẽ "không thực tế" khi nghĩ rằng Lebanon là một quốc gia sẽ chấp nhận yêu cầu của Mỹ và Israel về việc tạo ra vành đai an ninh ở khu vực biên giới phía nam của nước này.
"Không phải theo những điều khoản này. Lebanon chắc chắn sẽ không chấp nhận", Trombetta nói.
Vị chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về Trung Đông lưu ý rằng Lebanon được lãnh đạo bởi "sự đồng thuận chung của giới tinh hoa bao gồm cả Hezbollah".
Khi Thủ tướng tạm quyền của Lebanon Najib Mikati, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri và các nhà lãnh đạo chính trị "giáo phái" khác thảo luận về các yêu cầu của Israel với đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein tại Beirut, "mỗi người đều đang đàm phán về hai khía cạnh khác nhau", ông giải thích.
"Đầu tiên là thể chế, nhà nước", Trombetta lập luận. "Tất nhiên, Lebanon với tư cách là một nhà nước sẽ không đồng ý với ý tưởng rằng Israel, thông qua Nghị quyết 1701, sẽ tạo ra vành đai an ninh ở miền nam Lebanon để bảo vệ miền bắc Galilee của Israel".
Chuyên gia tư vấn này nói thêm rằng nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau cuộc chiến gần đây nhất của Israel vào năm 2006 dựa trên sự mơ hồ.
Nghị quyết 1701 được thông qua năm 2006 là cho phép tăng quân số của Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) lên tối đa 15.000 quân.
Lực lượng này có nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn, hỗ trợ Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) khi Israel rút khỏi miền nam Lebanon và đảm bảo sự trở về an toàn của những người phải di dời.
"Đối với Israel, những yêu cầu của họ là một phần trong nỗ lực chính trị quan trọng hướng tới mục tiêu chiến lược là kiểm soát các nguồn năng lượng nước của sông Litani, sông Awali.
Ngoài ra, Israel còn muốn mở rộng tối đa ảnh hưởng của họ dưới sự kiểm soát trực tiếp ở miền nam Lebanon, không chỉ để đảm bảo hòa bình ở Galilee như họ nói, mà còn để có ảnh hưởng tốt hơn ngoài biên giới thực tế của họ", Trombetta nhấn mạnh.
"Bản thân ông Berri là đồng minh chiến thuật của Hezbollah. Ông ấy có hứng thú với việc duy trì quyền lực, bất kể điều gì sẽ xảy ra sau cuộc chiến này.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri rất thận trọng khi xem xét những gì đang diễn ra trên thực địa ở phía nam. Nếu Hezbollah bị đánh bại, thì nó cũng sẽ bị đánh bại về mặt chính trị bên trong Lebanon", chuyên gia suy đoán.
Cũng theo Trombetta, chủ tịch Berri có thể sẽ "từ chối những yêu cầu phi thực tế của Israel, nhưng sẽ sẵn sàng thảo luận về một Lebanon mới không có Hezbollah trong tương lai".
Mặc dù Hezbollah không nằm ngoài cuộc thảo luận, nhưng sau vụ ám sát Tổng thư ký Hassan Nasrallah Berri, Thủ tướng Mikati đang "trải qua không gian hoạt động rộng hơn", Trombetta cho biết.
Theo một kịch bản khác, ngay cả khi Hezbollah suy yếu vẫn sẽ thống trị đất nước, Berri và Mikati "sẽ tiếp tục đóng vai trò đàm phán thực sự trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trong cả hai kịch bản, cả hai quan chức cấp cao Mikati và Berri sẽ tiếp tục đàm phán với tất cả các bên với các lĩnh vực quan tâm khác nhau của họ", ông lập luận.