Lấy gần 6.500 mẫu xét nghiệm, TPHCM phát hiện 1 ca dương tính với covid-19 Ảnh Hà Phương.
Tính đến sáng 15/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông tin, 6.643 mẫu xét nghiệm virus corona chủng mới đã được triển khai, sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, khu lưu trú công nhân.
Qua xét nghiệm thì có 1 trường hợp dương tính trở lại là bệnh nhân số 22. Đây là bệnh nhân mang quốc tịch Anh, 60 tuổi, đã có 3 lần âm tính trước đó nhưng khi lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất lại cho kết quả dương tính.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 13/4, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trường hợp như ca bệnh 22 có kết quả dương tính sau khi ra viện (sau 3 lần xét nghiệm âm tính) vừa được phát hiện tại TP.HCM không phải hiếm. Vừa qua, thế giới có báo cáo nhiều trường hợp tương tự dù trước đó đã được cách ly, điều trị đúng quy trình.
Theo Giám đốc sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, trường hợp bệnh nhân này có khả năng bị tái phát bệnh hoặc có thể bị tái nhiễm tại Đà Nẵng. Cơ quan chức năng đã cách ly khoanh vùng và xét nghiệm tổng 41 nhân viên, khách lưu trú tại khách sạn đều cho ra kết quả âm tính.
Sở Y tế cũng đã thông báo đến hãng hàng không Vietnam Airlines để tiến hành rà soát, lấy danh sách hành khách đi chung chuyến bay của bệnh nhân 22 vào TP.HCM.
Trước đó, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết trên Zing trường hợp bệnh nhân số 22 cho kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính sau khi khỏi bệnh không được gọi là tái nhiễm, mà có thể là người lành mang trùng.
Người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.
Theo phân tích của bác sĩ Khanh, tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng.
'Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với chúng ta', bác sĩ Khanh thông tin.
Có nhiều thông tin quan ngại về việc bệnh nhân này có thể tiếp tục lây nhiễm cho những người khác, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng điều này hầu như không có. Bởi, giả sử trong trường hợp bệnh nhân này còn sót lại một ít virus thì nó cũng đã suy yếu, không có khả năng gây bệnh. Thứ hai nữa là cũng phải đối chiếu xét nghiệm của hai bên, cả ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Thông tin thêm về việc phải đối chiếu xét nghiệm của 2 bên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết xét nghiệm vi rút còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: lấy mẫu, sai số, lấy mẫu ở điểm nào còn phụ thuộc vào người lấy mẫu; vận chuyển mẫu.
Trước những băn khoăn cho rằng đây là chủng mới của virus, ông Nga nhận định khả năng này là rất ít bởi trên thực tế ở một số nước vẫn có những trường hợp cho kết quả dương tính trở lại. 'Tuy nhiên, qua ghi nhận chưa thấy báo cáo này nói về việc những người này gây bệnh trở lại cả', chuyên gia cho hay.