Về quê vì không có việc
Có 4 năm thâm niên chạy xe Grab bike trên thành phố, thế nhưng từ 1 tháng trở lại đây anh Phùng Thanh Quang (ở Thanh Hóa) đã phải tạm ngừng công việc. Trước đây, mỗi tháng thu nhập của anh Quang cũng được từ 15-17 triệu đồng, nhưng giờ đây bị giảm tới 2/3. Thay vì chở khách, anh Quang chạy sang giao hàng, thế nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Hàng loạt các cửa hàng trên các tuyến phố đã đóng cửa vì vắng khách, lao động thất nghiệp gia tăng. Ảnh: T.A
"Có lẽ kinh tế khó khăn nên mọi người cũng tiết kiệm hoặc vì sợ dịch bệnh nên hạn chế đi lại và mua sắm. Cứ đà này, chắc chúng tôi phải nghỉ việc" - anh Quang nói.
Cùng là lao động tự do, nhưng hoàn cảnh của chị Lê Thị Mai (Hải Hậu, Nam Định) còn bi đát hơn. Hơn một năm nay vợ chồng chị Mai khăn gói lên thành phố kiếm việc để gửi tiền về quê lo ăn học cho hai con và nuôi bố mẹ già.
"Kể từ khi dịch Covid - 19 phức tạp, việc bán hàng rong của tôi ế ẩm. Khách không có, tôi chạy qua chợ Long Biên xin bốc hàng thuê nhưng việc cũng không có nhiều. Ngày có đơn hàng, ngày không. Công việc của chồng tôi cũng không khá khẩm hơn gì" - chị Mai nói.
Chồng chị Mai vốn là bảo vệ cho chuỗi nhà hàng ăn trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), thế nhưng mới đây, nhà hàng tạm dừng hoạt động vì vắng khách. Nhà hàng hỗ trợ 2 triệu đồng để lao động tự tìm việc làm mới và hẹn sau hoạt động trở lại thì sẽ tuyển lại.
"Công nhân viên chức nghỉ việc còn có trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ lao động tự do như vợ chồng tôi thì chẳng có gì. Lương không có, tìm công việc mới lại khó khăn, giờ chắc chỉ còn nước về quê làm ruộng sống qua ngày, đợi hết dịch lại lên đi làm thuê" - chị Mai nói.
Ông, bà chủ cũng khốn đốn
Không riêng gì lao động, nhiều ông, bà chủ làm ăn kinh doanh chủ quán ăn, cửa hàng thời trang cũng lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn. Khắp các con phố ở Hà Nội như Đội Cấn, Mai Dịch, Phạm Ngọc Thạch, Lương Văn Can... các cửa hàng ăn uống, mua sắm đã treo biển đóng mở cửa, sang nhượng mặt bằng.
Chị Nguyễn Tuyết Lan (Mai Dịch, Hà Nội) vừa phải đóng cửa cửa hàng thời trang vì không trụ được cơn sốc do dịch Covid -19. Trước đây mỗi ngày cửa hàng chị bán được 20-30 đơn hàng, nhưng từ khi có dịch khách vắng, tiền lãi không đủ thuê mặt bằng và thuê nhân viên, thậm chí còn âm vốn nên chị đành phải đóng cửa.
Thậm chí ngay như những dịch vụ nấu ăn, tiệc phục vụ tại nhà cũng rất vắng khách. Chị Trần Ngọc (chung cư FLC Đại Mỗ) có nhà hàng chuyên phụ vụ tiệc tại nhà cũng dừng hoạt động vì lâu nay không có khách đặt.
"Dịch bệnh, các gia đình cũng được khuyến cáo tránh tụ tập, liên hoan, vì thế nhà hàng cũng chuyển từ phục vụ tiệc sang nấu món ăn phục vụ cơm hàng ngày như cá kho, canh sườn hầm, xôi thắp hương... để duy trì nguồn thu qua ngày. Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để hoạt động kinh doanh được trở lại bình thường chứ không thì hơn chục con người làm việc tại nhà hàng đều chết đói mất" - chị Trần Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng lao động tự do, người tự tạo việc làm, lao động từ quê ra thành phố làm thuê là những nhóm lao động yếu thế, chịu tác động mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng việc làm do dịch bệnh Covid -19 gây ra. Trong khi nhóm lao động làm công ăn lương, có hợp đồng lao động nghỉ việc có tiền trợ cấp thất nghiệp, thì lao động tự do mất việc là mất luôn thu nhập.
"Không chỉ lao động tự do, kể cả những người tự tạo việc làm, kinh doanh cá thể cũng vậy. Với doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ vốn, thuế, chính sách bảo hiểm xã hội rõ rệt hơn. Ví dụ Chính phủ đã xây dựng chính sách miễn, tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, giãn, tạm ngừng đóng thuế, tăng cường vốn vay ưu đãi... cho doanh nghiệp. Nhưng với các đơn vị không có tư cách pháp nhân rõ ràng là một thiệt thòi vì họ sẽ rất khó để tiếp cận các chính sách hỗ trợ" - bà Lan Hương phân tích.
Trước đó, một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 2/3 tổng lao động Việt Nam là lao động nằm ngoài khu vực chính thức. Đây là thách thức rất lớn trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập cho nhóm lao động này trước tác động của dịch Covid -19.
Về phía đơn vị quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, ngoài các kiến nghị gửi Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong khu vực có quan hệ lao động, Bộ cũng kiến nghị giải pháp tín dụng. Trong đó, nhấn mạnh tới giải pháp ưu tiên hỗ trợ vay tín dụng với lao động khu vực nông thôn, hợp tác xã, mô hình kinh doanh tự tạo việc làm... Cụ thể mức đề xuất cho vay cao nhất là 30 triệu đồng với 1 lao động và 500 triệu đồng với một đơn vị kinh doanh.
Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ phương án hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch Covid -19. Theo đó sẽ có khoảng từ 1,5 - 3 triệu lao động và hơn 21.000 doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này. Riêng chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên cho nhóm lao động tự do, lao động ở khu vực nông thôn, đơn vị tự tạo việc làm. |