Chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện còn kém hấp dẫn
Theo Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2020, cả nước chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH.
Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH. Ảnh: Chụp tại chợ đêm Phú Quốc - Nguyệt Tạ
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2018 có trên 277 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 42 tỷ đồng. Năm 2020, có tổng số hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ lên tới hơn 137,6 tỷ đồng. Mặc dù số người tham gia BHXH tăng lên gấp nhiều lần nhưng dư địa mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện vẫn rất lớn.
Chính sách dành cho lao động tham gia BHXH tự nguyện được cho là chưa ưu việt. Mới chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa có quyền lợi ngắn hạn (trước mắt). Bên cạnh đó, việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện mới được thực hiện từ năm 2018 và mức hỗ trợ còn thấp nên chính sách BHXH tự nguyện được đánh giá chưa hấp dẫn, khuyến khích được người dân tham gia.
Chính bởi vậy, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này cũng đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục hạn chế trên nhằm mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện của lao động.
4 giải pháp "hút" người tham gia BHXH tự nguyện
Để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ của BHXH tự nguyện, nhà làm luật đề xuất một loạt những thay đổi về chính sách.
Dự thảo đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, cụ thể: Lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho tất cả đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mà chưa có thẻ BHYT.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất mua BHYT cho lao động tham gia BHXH tự nguyện chưa có thẻ BHYT. Ảnh: Thái Bình
Tiếp đó là đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể là tăng mức hỗ trợ bằng 30% đến 50% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện hành là 10%).
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, nhất là với nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vốn tham gia muộn (số năm tham gia ít).
Ngoài ra, Dự thảo Luật BHXH dự kiến cũng sẽ bỏ giới hạn trần tuổi đối với người tham gia BHXH tự nguyện (từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ).
Dự thảo Luật BHXH cũng đề xuất bỏ giới hạn trần tuổi đối với người tham gia BHXH tự nguyện (từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ). Ảnh: Chi trả tiền lương hưu tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - Nguyệt Tạ
Theo tính toán, để thực hiện đề xuất trên dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ phát sinh thêm 49.521 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030 (bình quân mỗi năm 7.074 tỷ đồng).
Mức tăng cụ thể như sau:
Nếu tăng hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ 30% trong giai đoạn 2024 - 2030 thì ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 17.019 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 2.431 tỷ đồng.
Nếu thực hiện chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sinh con thì dự kiến giai đoạn 2024 - 2030, ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 750 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 107 tỷ đồng).
Với chính sách hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì tùy thuộc khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi được hưởng lương hưu thì dự kiến ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 31.752 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 4.536 tỷ đồng).