Đề thi Ngữ văn Chuyên vào lớp 10
Tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Ngay sau khi môn Ngữ văn Chuyên kết thúc, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh dành lời khen ngợi cho đề thi năm nay.
Theo đó, trong vòng 150 phút, thí sinh trả lời 2 câu hỏi 4 điểm và 6 điểm.
Đề thi Ngữ văn Chuyên vào lớp 10 ở Đồng Nai.
Câu hỏi như sau:
Câu 1:
"Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A. bố mẹ đặt hết kì vọng vào con". Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: "Con chỉ muốn sống 1 cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt".
Bằng trải nghiệm của bản thân hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên.
Câu 2:
Trong cuốn "Phẩm cách văn chương", tác giả Hàn Quốc Ki Ju Lee đã chia sẻ:
"Có lẽ việc đặt tên cho 1 tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho 1 con người... Từng chữ được tác giả lấy tâm hồn và nước mắt làm mực, tận tụy viết ra trang giấy trắng với ước ao chạm đến trái tim người đọc". Em hiểu ý kiến như thế nào? Hãy chọn nhan đề của 2 tác phẩm văn học "chạm đến trái tim em" để làm rõ.
Đề thi khiến nhiều người bày tỏ sự phấn khích vì quá hay, thậm chí còn muốn trở lại thời học sinh để được thi đề này. Trong đó, nhà báo, MC Trác Thúy Miêu cũng phải thốt lên: "Các thanh niên 15 tuổi ở Đồng Nai ơi, nói cho Miêu biết đi, đề thi này có quá sức các con không? Thầy cô nào ở Đồng Nai có nhận em đi học bổ túc lại không ạ? Đề kích thích quá ạ! Không cho học cũng được, giả đò cho em thi thôi cũng được ạ! Hoan nghênh thầy cô Sở GD-ĐT Đồng Nai!".
Đề thi không khu biệt và định hướng
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn Trường Marie Curie Hà Nội cho biết: "Đây là đề thi khá hay vì lâu nay các đề thi Văn thường hướng tới vấn đề cao siêu trong xã hội hoặc những vấn đề lý luận văn học. Đặc biệt với học sinh chuyên Văn thì đề thi kiểm tra lý luận văn học, văn chương nhiều hơn.
Vì vậy đề thi này ở Đồng Nai chạm đến vấn đề của chính đời sống học sinh bây giờ. Hai câu hỏi đều cho phép học sinh thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình. Ở câu 1 "Bằng trải nghiệm của bản thân hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên", nghĩa là mỗi học trò sẽ có trải nghiệm khác nhau. Chưa rõ đáp án của Sở sẽ thế nào nhưng câu lệnh của đề được cho trò trải nghiệm.
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Văn Trường Marie Curie Hà Nội.
Ở câu 2 thì "Hãy chọn nhan đề của 2 tác phẩm văn học chạm đến trái tim em" để làm rõ. Điều đó có nghĩa thí sinh được chọn 2 tác phẩm chạm đến trái tim em mà không cần biết người khác thế nào. Từ đó thí sinh thể hiện hết được quan điểm riêng, cách hay trong biểu đạt.
Đây là đề thi không khiến học sinh bị khu biệt và định hướng. Ví dụ như đề thi Ngữ văn ở Khánh Hòa cho thí sinh chọn trứng hay khoai tây thì câu trả lời sẽ bị đóng khu lại. Còn đề thi Đồng Nai lại có hướng mở ra những hướng làm bài khác biệt, độc lập cho thí sinh khi. Nếu như có 100 học sinh thi sẽ có 100 trải nghiệm khác nhau, 100 nhan đề tác phẩm khác nhau theo sự lựa chọn của học sinh".