Đề thi môn Văn vào lớp 10 trường chuyên
Ngày 4/6, học sinh tỉnh Khánh Hòa đã chính thức bước vào kỳ thi vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bài thi có thời gian 150 phút trong đó có 1 câu gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, câu nghị luận xã hội 4 điểm này cho biết "Trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, Lu-Mannup đã chia sẻ:
Phương Tây có câu ngạn ngữ "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.
Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Đề thi Tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn được cho là của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. (Ảnh: Dân trí)
Ngay sau khi đề thi được chia sẻ lên mạng đã gây ra tranh cãi vì chi tiết "Nếu phải ở trong nước sôi". Đây là câu hỏi phi thực tế và thậm chí phản cảm.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô giáo Lê Trần Diệu Thu, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, là cô giáo nổi đình đám trên TikTok, giảng viên Ngữ văn hệ song bằng tại Hà Nội cho biết: "Thứ nhất, cách đưa ngữ liệu của người ra đề "thừa chữ" không tập trung vào vấn đề muốn thí sinh trả lời.
Bản chất, ở đề thi này, hoàn toàn có thể lược bỏ vế đầu tiên ở ngữ liệu bởi vấn đề chính muốn hỏi thí sinh nằm ở câu ngạn ngữ phương Tây, hoàn toàn không nằm ở lời chia sẻ của tác giả cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu – Mannup. Nếu ra ngữ liệu chuẩn hơn thì chỉ cần trích dẫn nguyên câu ngạn ngữ phương Tây là đủ.
Các học sinh trao đổi sau giờ thi tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Thứ hai, giả định học sinh vào tình huống khó, chưa xứng tầm đề thi học sinh giỏi. Khi đọc đề, tôi có phần giật mình bởi cách hỏi của người ra đề giả định học sinh rơi vào tình huống theo nghĩa đen "Nếu phải ở trong nước sôi", làm mất đi giá trị vốn có khi truyền tải thông điệp của câu ngạn ngữ tới thí sinh. Nếu sửa lại nên là "Nếu ở trong hoàn cảnh khó khăn", giả định học sinh vào tình huống theo nghĩa bóng của câu ngạn ngữ thì ý nghĩa hơn rất nhiều.
Học sinh thi vào trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Bên cạnh đó, cách hỏi của người ra đề chưa thể hiện được tính mục đích vốn có của đề, đóng khung câu trả lời.
Mục đích của đề thi nhằm khơi gợi suy nghĩ của học trò chọn giải pháp nào khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu cách hỏi mở hơn thì học sinh hoàn toàn có thể đưa ra những suy nghĩ của bản thân để phát huy sự sáng tạo cho riêng mình. Trong khi đề bắt học sinh phải lựa chọn "củ khoai tây" hoặc "trứng". Giúp học sinh thể hiện được quan điểm tốt hơn, thay vì hỏi chọn gì thì có thể hỏi học sinh "bàn luận thế nào về câu tục ngữ trên bằng trải nghiệm của bản thân" là đủ.
Và cuối cùng, với đề thi này, hoàn toàn giống đề thi đại trà nghị luận thông thường, học sinh giỏi không có nhiều đất để phát huy sự sáng tạo, có lẽ thí sinh nào cũng sẽ chọn lối sống tích cực "quả trứng" khi gặp khó khăn để viết, phản đề dường như là ít hoặc không có".