Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:49
RSS

Lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ có bị kỷ luật?

Thứ năm, 04/03/2021, 10:33 (GMT+7)

Lao động nữ mang thai có những quyền lợi gì?, có bị xử lý kỷ luật trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ không?... Đây là những vấn đề lao động nữ rất quan tâm.

Lao động nữ trong quá trình mang thai, nuôi con nhỏ sẽ không bị kỷ luật 

Lao động đang mang thai, lao động trong thời kỳ nuôi con nhỏ, sẽ không bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật sẽ được thực hiện sau thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Điều này được quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động. 

Theo đó, Điều 122, Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định: Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.


Lao động nữ mang thai không bị xử lý kỷ luật, được lùi thời hạn kỷ luật khi hết thời gian nuôi con nhỏ. Ảnh: N.T N.T

Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong 4 khoảng thời gian sau: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; Lao động đang bị tạm giữ, tạm giam; lao động đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm; Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐTBXH cho rằng căn cứ vào điều 122, Bộ luật Lao động thì lao động nữ đang mang thai vi phạm kỷ luật sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, hết thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật do thời hạn xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài.

Điều này được quy định rất rõ tại Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2019 về Thời hạn xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể: Thời hạn xử lý kỷ luật lao động là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hạn xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

Nếu hết thời hạn hoặc còn thời hạn nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hạn để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian.

8 quyền lợi lao động nữ nuôi con nhỏ nên biết 

Thứ nhất, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thứ hai, không được xử lý kỷ luật lao động với lao động nữ trong thời kỳ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Từ năm 2021, lao động nữ mang thai được hưởng nhiều quyền lợi

Thứ ba, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quyền từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi có yêu cầu của người sử dụng lao động.

Thứ tư, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được:

Chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.


Lao động nữ mang thai còn được hưởng nhiều quyền lợi: Không bị cho thôi việc; được ưu tiên ký giao kết hợp đồng mới...

Thứ năm, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Thứ sáu, lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn.

Thứ bảy, quy định lao động nữ nuôi con nhỏ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

- Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Thứ tám, lao động nữ đóng BHXH bắt buộc, con bị ốm đau  và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/mỗi con không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Trang Luv
Theo Dân Việt