Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:38
RSS

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Thứ hai, 18/05/2020, 16:47 (GMT+7)

Hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng ta cùng nhau nhắc lại khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà Bác đã nói nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới năm 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Ngày 5/9/1945 – ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về Đất nước Hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Từ lời Bác nói, chúng ta có thể thấy Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.

Chọn thời điểm 3 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Bác truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin về xây dựng đất nước hùng cường tới các em học sinh – chủ nhân tương lai của Đất nước, có lẽ không còn sự lựa chọn thích hợp nào hơn thế nữa.

Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp trăm năm, đúng như lời Bác vẫn thường nói “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Để xây dựng đất nước hùng cường thì nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Bác bảo “thực túc thì binh cường” và “tăng gia sản xuất là cái thiết thực nhất của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Theo Bác, có bốn điều cần coi trọng trong việc tăng gia sản xuất đó là:  “Công - Tư đều lợi”(xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần để kết hợp công – tư), “Chủ - Thợ đều lợi” (xây dựng quan hệ lao động hài hòa), “Công - Nông giúp nhau” (liên minh công nông), “Lưu thông Trong - Ngoài” (hội nhập quốc tế).

Mở cửa, hội nhập trên cơ sở bảo đảm chủ quyền dân tộc cũng là chủ trương xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế hùng cường. Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nền độc lập cho dân tộc, từ năm 1945, Bác Hồ đã chủ trương “trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam”. Bác bảo “chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng điều kiện chính là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này”.

Trong “Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc” giai đoạn 1945 – 1946, Bác cũng nêu rõ những tư tưởng tương tự. Bác cho rằng đất nước chúng ta sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, dành thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kĩ thuật nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực công nghệ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự buôn bán và quá cảnh quốc tế Việt Nam sẽ tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

Đó là những chủ trương dẫn dắt cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta suốt trong những năm qua. Chúng ta đã sớm gia nhập WTO, đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài, đã tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta đã chủ động tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức quốc tế. Việt Nam là mô hình thành công trong hội nhập. Vị thế uy tín quốc tế của chúng ta ngày càng cao.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ và khát vọng xây dựng đất nước hùng Cường

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một trong những điểm đặc sắc khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Bác cổ vũ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng cũng không quên căn dặn doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người dân, phải kinh doanh có văn hoá, có trách nhiệm xã hội, hàng hoá dịch vụ phải bảo đảm sức cạnh tranh.

Bác nhiều lần nhắc rằng: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất. Nhưng trước hết, người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thật thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu, giá cả phải chăng không lừa dối người mua”.

Đó cũng chính là linh hồn và tư tưởng chỉ đạo đối với các cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” và “phong trào năng xuất Việt Nam” … mà chúng ta đang phát động!

Bác khuyên các doanh nhân phải lập phường, lập hội, đoàn kết để sản xuất kinh doanh. Bác bảo: “những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không phí tài năng và thời gian”. Bác kêu gọi các doanh nhân “mau mau gia nhập Công Thương Cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích Quốc lợi Dân”. Liên kết doanh nhân Việt vì công cuộc “ích quốc, lợi dân” là những tôn chỉ, mục đích cao quý nhất mà những người làm kinh doanh ngày nay đang theo đuổi.

Bác bảo: “muốn đất nước giầu mạnh, nhân dân ấm no thì phải luôn sắp xếp để có thật nhiều người sản xuất trực tiếp”, tức là phải chăm lo phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Bác Hồ đã từng nói: “phải yêu nước thương dân” và chúng ta hiểu rằng, cách thương dân thiết thực nhất là lo được việc làm đàng hoàng, đầy đủ cho người dân. Và người tạo được nhiều việc làm đàng hoàng cho người dân nhất là người yêu nước nhất. Doanh nhân Việt Nam nguyện “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để làm theo lời Bác, xứng đáng với danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến kinh tế, xây dựng “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” góp phần đưa Dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Quyết tâm dâng lên Bác đóa hoa "Việt Nam đất nước hùng cường"

Sau đại dịch Covid, thế giới đang dần được định hình, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại – đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể vươn mình sánh ngang cùng các cường quốc năm châu như lời Bác đã nói.

Hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và 100 năm ngày Khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945 – 2/9/2045), toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm dâng lên Bác đoá hoa “Việt Nam Đất nước Hùng cường” – khát vọng của người Cha già dành trọn trái tim và hơi thở cho Tổ Quốc, cho những người con đất Việt.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN