Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:16
RSS

Kỳ lạ những vật vô tri được trao quyền con người ở khắp các quốc gia

Thứ hai, 25/12/2017, 19:17 (GMT+7)

Dòng sông, ngọn núi hay cả robot cũng được trao quyền con người thực sự là điều thú vị ở nhiều quốc gia trên thế giới.

quyền con người, được trao quyền
Ngọn núi 120.000 năm tuổi.

Ngọn núi thiêng cũng được trao quyền con người

Ngọn Núi Taranaki ở New Zealand được cấp các quyền con người một cách hợp pháp, và đây cũng trở thành địa điểm thứ 3 ở quốc gia này được “nhân cách hợp pháp”.

Cụ thể, 8 bộ tộc Māori ở địa phương và chính phủ sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo vệ ngọn núi thiêng. Trước đó, những người trong bộ tộc từ lâu coi ngọn núi như tổ tiên hay thành viên ruột thịt trong gia đình. Như vậy, bất cứ ai có hành vi lạm dụng hay phá hoại Taranaki sẽ được xem như làm hại người trong bộ tộc. Bộ trưởng Andrew Little đàm phán thỏa thuận cho biết, bản ghi nhớ sớm được ký kết trong tuần này nêu cụ thể, núi Taranaki sẽ trở thành “pháp nhân với quyền lợi riêng”.

Điều này tương tự như con sông Whanganui được trao quyền là một cá nhân hợp pháp vào tháng 1/2017 vừa qua. Bộ trưởng Little cho biết, điều này sẽ hỗ trợ việc bảo vệ núi thiêng tốt hơn. Ngọn núi 120.000 năm tuổi Taranaki đang trở thành điểm đến thu hút ngày càng đông khách du lịch, đặc biệt sau khi Lonely Planet xếp nơi này nằm trong Top các nơi đáng ghé thăm nhất vào năm 2016.

Ngọn núi lửa Taranaki khoảng 120.000 năm tuổi đã ngừng phun trào kể từ năm 1775 và hiện “đang ngủ yên”. Đây là ngọn núi lửa hình thành một cách hoàn hảo nhất của New Zealand, cũng là môt trong những ngọn núi lửa hình nón đối xứng nhất trên thế giới

Ngọn núi lửa nằm ở trung tâm của công viên quốc gia Egmont, phía nam của New Plymouth, gần bờ biển phía Tây của đảo Bắc. Một vườn quốc gia gồm phần lớn diện tích núi lửa được thành lập năm 1990. Tới đây, du khách có thể tham quan khu rừng nhiệt đới tươi xanh, tận hưởng khí hậu biển ấm quanh năm.

Sông Hằng cũng được trao quyền như con người 

Ngày 20/3/2017, Báo Tiên Phong cũng đăng tải thông tin tòa án ở bang Uttarakhand thuộc miền bắc Ấn Độ phán quyết rằng, sông Hằng và sông Yamuna (nhánh chính của sông Hằng) được coi là hai thực thể sống có tư cách pháp nhân với đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng.

quyền con người, được trao quyền
Sông Hằng linh thiêng.

Phán quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ làm sạch hai dòng sông đang bị ô nhiễm rồi bảo vệ chúng một cách bền vững. Theo phán quyết của tòa, nếu tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm dòng sông, thì luật pháp coi đó là hành động hãm hại người khác.

Sông Hằng và sông Yamuna giờ được coi như vị thành niên, cần được giám hộ. Những người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm chúng không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích. Họ có thể đại diện cho sông Hằng và sông Yamuna để kiện những tổ chức, cá nhân không bảo vệ hai con sông thiêng này.

Hai bang Uttar Pradesh và Uttarakhand thời gian qua bị chỉ trích là đã không kiên quyết bảo vệ, bảo tồn sông Hằng và sông Yamuna.

Robot cũng được trao quyền con người

Sophia chính là robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân. "Tôi rất vinh dự và tự hào trước đặc quyền duy nhất này. Đây là một khoảnh khắc lịch sử khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới sở hữu quyền công dân", Sophia chia sẻ trong buổi lễ công bố trao quyền công dân cho cô.

Theo hãng chế tạo Hanson Robotics (Hong Kong) Sophia được dựng theo nguyên mẫu nữ minh tinh Mỹ Audrey Hepburn với vẻ đẹp cổ điển bao gồm "làn da trắng sứ, sống mũi thon gọn, gò má cao, nụ cười hấp dẫn và đôi mắt biểu cảm”.

Robot cũng được trao quyền con người
Robot Sophia

Robot biết lắng nghe và trò chuyện không phải là chuyện mới trong giới công nghệ  Nhưng cách Sophia hiểu các câu hỏi và có thể trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên không giống như được lập trình cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển đến mức kinh ngạc.

ngày 25-10-2017, Sophia tiếp tục gây tiếng vang khi phát biểu tại một cuộc họp diễn ra trước thềm hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative) ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư giàu có xứ Ả Rập.

Tại sự kiện này, chủ tọa Andrew Ross Sorkin tuyên bố Sophia đã trở thành robot đầu tiên được trao quyền công dân Saudi Arabia. Đáp lời, Sophia cho biết "vô cùng vinh dự và tự hào vì đặc ân này" và cho rằng việc trao quyền công dân cho một robot như cô là quyết định lịch sử.

Được hỏi vì sao cô trông có vẻ vui, Sophia đáp cô luôn thấy vui khi "được ở giữa những người thông minh, những người vô tình cũng rất giàu có và quyền lực". 

Việc Ả-rập Xê-út cấp quyền công dân cho robot đã gây tranh cãi về viễn cảnh robot sẽ cướp đi công ăn việc làm của người bình thường và mối lo ngại trí thông minh nhân tạo sẽ thống trị thế giới. Song, những người tạo nên Sophia cho biết họ sẽ nỗ lực kiểm soát những điều tiêu cực và họ sáng chế ra robot như Sophia nhằm giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Bảo Anh
Theo DanTri/Tuoitre