Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:53
RSS

Kỳ diệu hành trình cứu sống bé gái 740 gram bị sinh non ở tuần thứ 25

Thứ tư, 04/07/2018, 11:41 (GMT+7)

Sau khi bị sinh non ở tuần thứ 25, bé gái chỉ nặng 740 gram, toàn thân tím tái, không thở, không phản xạ, trương lực cơ mềm nhão.

Cứu sống bé sinh non ở tuần thứ 25
Bé sinh non ở tuần 25 đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cứu sống. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ vừa cấp cứu một bé gái 25 tuần 01 ngày, cực non (cân nặng 740gram). Sau sinh, toàn thân bé tím tái, không thở, không phản xạ, trương lực cơ mềm nhão. Ngay lập tức, ekip trực của khoa Sanh và khoa Sơ sinh đã phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng hồi sức tích cực và chuyển lên khoa Sơ sinh.

Tại khoa Nhi - Sơ sinh, bé được thực hiện hồi sức tích cực và hỗ trợ thở máy, chụp X​-quang khẩn và làm các xét nghiệm ban đầu. Bé được chẩn đoán hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (bệnh màng trong giai đoạn 3), với biểu hiện lừ đừ, tứ chi tím lạnh, thở không đều, co lõm ngực.

Tiên lượng nếu không kịp thời điều trị thì nguy cơ tử vong là rất cao. Ekip các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã nhanh chóng hội chẩn viện, tiến hành bơm Surfactant bằng kỹ thuật Lisa và kết hợp xử trí thở áp lực dương liên tục với FiO2 60%.

Sau 6 giờ điều trị tích cực tình trạng suy hô hấp có cải thiện, giảm được FiO2 < 40%, bé thở co lõm ngực giảm, không cơn ngưng thở, nhịp tim ổn định. Qua 72 giờ điều trị tại khoa hiện bé không có tai biến nào xảy ra do bơm Surfactant, vẫn được thở NCPAP với FiO2 21%, sinh hiệu ổn định. Hiện tại, bé đã ăn được sữa mẹ và vẫn đang tiếp tục điều trị tại Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ.

Theo ThS.BS. Lâm Kim Hường - Phó trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA được chỉ định cho trẻ suy hô hấp do bệnh màng trong sanh non bằng cách bổ sung Surfactant không qua đường nội khí quản, mà qua catheter nhỏ trong lúc trẻ tự thở với NCPAP hỗ trợ và được thực hiện bởi đội ngũ nhân viên y tế thành thạo, có đủ phương tiện hồi sức và chăm sóc sơ sinh. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế các biến chứng liên quan đặt nội khí quản, hạn chế việc dùng thuốc an thần và giảm tổn thương phổi do thông khí cơ học.

Bệnh màng trong là bệnh lý xảy ra ở khoảng 1% bé sinh ra, khoảng 10% bé sinh non tháng và lên đến 50% ở các bé sinh non dưới 30 tuần tuổi thai. Bệnh gây ra do sự thiếu hụt surfactant dẫn đến suy hô hấp.

Việc thực hiện thành công bơm Surfactant bằng kỹ thuật LISA để điều trị bệnh màng trong của trẻ sơ sinh non tháng đã mở ra cơ hội điều trị, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi và mang lại hạnh phúc cho gia đình người bệnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

BS.CKI. Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng khoa Sơ sinh chia sẻ: “Thời gian gần đây, hiệu quả điều trị cho trẻ sơ sinh non tháng đã được nâng cao. Để đáp ứng điều trị các bệnh lý ở trẻ sơ sinh, khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Thở máy, đặt catheter tĩnh mạch nền, tĩnh mạch rốn, bơm surfactant, kỹ thuật NCPAP sớm, kỹ thuật Kangaroo sớm cho tất cả trẻ sơ sinh tại các phòng sinh, phòng mổ. Đến nay, khoa đã nuôi dưỡng thành công những em bé sinh cực non, nhỏ hơn 28 tuần tuổi thai, với cân nặng nhỏ nhất 650 gram.


Xem thêm Clip: Bí kíp kích sữa: Mẹ ít sữa đến mấy ăn như này sữa cũng phun ướt áo con bú không kịp

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN