Ở phòng 211 dãy nhà E, Bệnh viện Mắt Trung ương có một gia đình bệnh nhân rất đặc biệt, nhận được sự quan tâm của đội ngũ y bác sĩ cùng những bệnh nhân đang điều trị ở đây.
Sự đặc biệt không chỉ vì đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất đang điều trị thủng giác mạc tại phòng mà còn bởi họ đến từ vùng đất Mù Căng Chải xa xôi, nơi vừa hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề của trận lũ lịch sử.
Đó là gia đình anh Giàng A Lu (SN 1990) và Thào Thị Khô (SN 1992) cùng người con đang điều trị mắt là cháu Giàng Xáy Tàng (SN 2014) trú tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải, Yên Bái.
Khi chúng tôi tìm đến phòng 211 nơi cháu Tàng đang điều trị đã thấy rất nhiều người vây quanh chiếc giường bệnh. Người ủng hộ tiền, người quần áo, giày dép. Hầu hết những người này đều biết đến hoàn cảnh và bệnh tật của cháu Tàng nên đến để giúp đỡ.
Khuôn mặt rầu rầu, anh Lu chậm rãi kể: “Hôm đấy là ngày 16/8, tôi đi làm vừa về đến nhà, thấy nhà không có điện nên tôi đi kiếm đồ để sửa, lúc đó vợ tôi cũng đang bận cho lợn ăn.
Cháu Tàng cùng một số cháu nhỏ chơi ở khoảng sân trước nhà. Được một lúc, đột nhiên tôi thấy tiếng cháu khóc thét lên. Vợ chồng tôi chạy ra thì thấy cháu đang ôm mắt và khóc. Vợ chồng tôi kiểm tra thì thấy mắt cháu bị một chiếc que chọc vào”, anh Lu nhớ lại.
Chị Khô bên cậu con trai . Ảnh: Duẩn
Thấy con bị thương nặng, anh Lu cùng vợ hô hào người dân đưa cháu Tàng đến vượt một quãng đường hơn 20km đi đến bệnh viện huyện Mù Căng Chải để cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám sức khỏe và xác định tình hình thương tật của cháu Tàng, các bác sĩ khuyên gia đình anh Lu nên đưa cháu xuống bệnh viện ở Hà Nội để điều trị vì đây là trường hợp rất nguy hiểm.
Cháu Tàng rất hiếu động, cháu thường xuyên bắt bố mẹ dẫn ra ngoài chơi. Ảnh: Duẩn
Bố mất sớm từ khi anh Lu còn chưa trưởng thành, chỗ dựa duy nhất của anh là người mẹ cũng bỏ lại anh để đi thêm bước nữa. Kể từ đó, anh Lu sống cùng gia đình người anh trai.
Đến tuổi trưởng thành, anh lấy vợ, 7 năm chung sống, anh chị có với nhau được 2 người con (trong đó cháu Tàng là con út). Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, số tiền chi tiêu hàng tháng của gia đình đều trông chờ vào khoản trợ cấp ít ỏi của địa phương và những đồng bạc lẻ do anh chị cày cấy, chăn nuôi được.
Anh Lu chia sẻ với PV về hoàn cảnh khó khăn của gia đình sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Duẩn
Thế nhưng trận lũ lụt vừa qua bất ngờ ập đến khiến anh chị rơi vào cảnh tay trắng. Của cải, hoa màu, vật nuôi đều bị nước lũ cuốn trôi. Thứ còn lại sau khi cơn lũ dữ đi qua chỉ là ngôi nhà nhỏ bé để gia đình che mưa nắng.
“Nhà tôi còn gì đâu, trận lũ lụt vừa rồi cuốn trôi hết của cải, chỉ để lại có gian nhà trống. Thương con nên tôi cũng đi khắp nơi để vay mượn rồi cùng vợ đưa con xuống đây để khám bệnh
Hiện tại, gia đình anh chị vẫn chưa biết tình hình mắt trái của cậu con trai. Ảnh: Duẩn
Cháu nhập viện được hơn 1 tuần nay, các bác sĩ cho biết con tôi bị thủng giác mạc và phải tiến hành phẫu thuật gấp. Cháu vừa tiến hành phẫu thuật lần thứ 2 vào ngày 23/8”, anh Lu chia sẻ.
Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cháu Tàng lại còn nhỏ nên gia đình anh Lu, chị Khô phải ở lại ngay tại viện để tiện cho việc chăm sóc cháu. “Vợ chồng tôi ở tại đây để chăm sóc cháu. Đêm đến, mẹ con cháu nằm ngủ trên giường bệnh còn tôi ngủ dưới nền nhà.
Chi phí điều trị, sinh hoạt tốn kém khiến gia đình anh Lu rất lo lắng. Ảnh: Duẩn
Nhưng đấy là lúc mát trời thôi chứ thời tiết mà nóng quá thì tôi lại ra ngoài ban công ngủ hoặc tìm chỗ nào có gió để chợp mắt. Tiền tôi vay mượn chữa trị cho cháu cũng sắp hết rồi nhưng nghe bác sĩ nói cháu vẫn chưa biết kết quả điều trị của cháu nên vợ chồng tôi phải ở đây một thời gian nữa”, anh Lu tâm sự.
Cũng theo như anh Lu cho biết, bản thân là một cháu bé rất hiếu động nên mặc dù đang phải điều trị nhưng cháu Tàng vẫn thường xuyên đòi bố mẹ đưa ra bên ngoài để chơi. Khi không được đi chơi, cháu thường quấy khóc khiến việc chăm sóc và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Nhiều tổ chức thiện nguyện biết đến hoàn cảnh của gia đình anh Lu đến để giúp đỡ. Ảnh: Duẩn
“Chắc do đi xa nhà lâu ngày, lại không có ai chơi cùng nên cháu thường xuyên đòi về. Thật sự, ở trên này vợ chồng tôi cũng rất lo lắng. Không biết vợ chồng tôi sẽ trụ được ở đây đến bao giờ. Tiền hết, cháu cũng không được chữa khỏi bệnh mà nhà tôi cũng không thể về quê được”, anh Lu buồn rầu kể.