Trong tập 45 phim "Hoa hồng trên ngực trái", thăc mắc lớn nhất của người xem là một người lớn có thể hiến tim cho trẻ con hay không đặc biệt khi người hiến như Thái lại đang mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Hình ảnh trong tập 45 phim "Hoa hồng trên ngực trái".
Nói về chi tiết bố tự sát hiến tạng cho con, Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia cho biết, về mặt khoa học, không ở nơi nào trên thế giới lấy tạng của người nào đó dẫn tới cái chết của họ. Theo quy định chỉ hiến được tim khi người hiến chết não.
Theo Quyết định số: 32/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 15/8/2007, để chẩn đoán 1 ca chết não cần dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và thời gian vô cùng chặt chẽ.
Hơn nữa, việc hiến tim và ghép tim cũng nghiêm ngặt không phải cứ có người hiến, có tim là ghép mà bác sĩ phải đánh giá nhiều chỉ số phù hợp giữa người hiến - người nhận như phải phù hợp nhóm máu, phù hợp chỉ số HLA, cân nặng của người nhận tim...Với người mắc các bệnh như HIV, viêm gan, lao... không đủ điều kiện để tham gia hiến tạng.
Việc hiến tặng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do tai nạn, chết não. Hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được từ vài giờ, đến không quá một ngày.
Ngoài ra nếu người chết não mà bị ung thư muốn hiến tạng cũng không thể vì tại Việt Nam hiện không tiếp nhận tạng của bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân ung thư sau khi chết chỉ có thể hiến tặng được giác mạc vì giác mạc không bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư.
Chi tiết Thái tự sát để hiến tim cho con gái trong phim khiến nhiều khán giả thắc mắc.
Về vấn đề tim người lớn có thể ghép cho trẻ em hay không? Đây thực sự là một câu hỏi tương đối phức tạp. Theo bác sĩ Hari R. Mallidi, bệnh viện Brigham (Mỹ), vấn đề nằm ở kích cỡ của tạng. Đa số các ca ghép, cơ thể của một đứa trẻ là quá nhỏ để chấp nhận tạng hiến từ người lớn và trẻ vị thành niên. Chỉ khi trẻ phát triển trước so với tuổi và tạng hiến có kích cỡ nhỏ, việc ghép mới có khả năng xảy ra.
Ca phẫu thuật cho một đứa trẻ sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn nếu tạng ghép là từ một đứa trẻ khác. Điều này khiến cho lựa chọn bị bó hẹp, bởi đa số tạng hiến là từ người trưởng thành. Nhưng vẫn có những trường hợp hy hữu xảy ra khi bệnh nhân là trẻ em nhận được tạng hiến tặng của người lớn.
Tại Việt Nam cũng từng ghi nhận 2 ca ghép thành công. Đó là trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi) nhận được trái tim của bệnh nhân u gan 34 tuổi vào năm 2017, hay bé gái Hà Ngọc Chi (10 tuổi) được cấy ghép trái tim của một người đàn ông 37 tuổi.