Thứ ba, 08/10/2024 | 06:47
RSS

Kiều bào từ Ukraine về nước: Ngổn ngang nỗi niềm

Thứ năm, 10/03/2022, 14:47 (GMT+7)

6h15p hôm nay (10/3), máy bay mang số hiệu QH9066 của Bamboo Airways đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay thứ hai đưa hơn 300 công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở Ukraine về nước.

Được biết, 1 giờ 55p ngày 9/3, máy bay mang số hiệu QH9066 của Bamboo Airways đã cất cánh từ sân bay Nội Bài, bay thẳng sang Warsaw (Ba Lan) và hạ cánh lúc 9 giờ ngày 9/3 (giờ địa phương). Máy bay đã dừng tại sân bay Warsaw trong khoảng 3 giờ để đón công dân, cũng như kiểm tra kỹ thuật và tiếp nhiên liệu trước khi thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

Để thực hiện chuyến bay ý nghĩa này, Bamboo Airways sắp xếp tổ bay gồm 26 thành viên, bao gồm 6 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất. Chuyến bay kết nối Việt Nam-Ba Lan với hành trình bay qua không phận 18 quốc gia, trải qua hành trình 11 giờ bay liên tục, hơn 300 công dân Việt Nam đã trở về với Tổ quốc. Trong đó, có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 2 phụ nữ mang thai và nhiều người có vấn đề về sức khỏe Trở về từ vùng chiến sự, tâm trạng của hầu hết mọi người đều ngổn ngang, vui buồn lẫn lộn.

Hành trình gió tuyết từ Ukraine sang Ba Lan

Trở về nước an toàn từ vùng chiến sự, bà Nguyễn Thị Kim Vân (70 tuổi, Hà Nội) khóc nức nở khi nói về hành trình đầy khó khăn trên đất khách: “Tôi bị liệt, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải ngồi xe lăn hòa cùng dòng người vượt qua các đồng đầy tuyết trắng đến Ba Lan. Nhiều lúc mệt quá tôi bị ngất đi, con trai tôi phải sốc lên để đi tiếp”, bà Vân nhớ lại.

Bế chắc cậu con nhỏ trên tay dù trên khuôn mặt hằn rõ sự mệt mỏi, dù đã đứng trên đất mẹ, chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn như chưa tin hai mẹ con đã vượt qua những ngày “gió tuyết”: “Khoảng ngày 3/3, chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Kharkov (Ukraine) hướng sang Ba Lan. Ban đầu, cả đoàn đi bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang thuê taxi. Mất tổng cộng 5 ngày thì mới sang được Warsaw”.

Kiều bào từ Ukraine về nước, vui buồn lẫn lộn

Trên chiếc xe lăn, bà Nguyễn Thị Kim Vân (70 tuổi, Hà Nội) đi qua những ngày gió tuyết từ Ukraine sang Ba Lan để trở về Việt Nam. Ảnh: Trần Giang

Theo chị Yến, khi bắt đầu vào biên giới Ba Lan, trời xuất hiện mưa tuyết rất lớn. Nhiệt độ giảm sâu xuống âm 8 độ C. “Nhiệt độ quá thấp khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. May mắn là các bạn người Ba Lan đã hỗ trợ cho đoàn lều bạt để chống lại cái lạnh”, chị Yến nhớ lại, mắt đỏ hoe.

Mở ba lô, cầm chiếc áo khoác dày cộp chống rét được tặng tại Warsaw, bà Nguyễn Thị Bích (Hưng Yên) nghẹn ngào: “Bà con người Việt rất tốt, cả người Ba Lan cũng thế. Ngay khi sang tới nơi, chúng tôi đã được giúp đỡ, từ quần áo ấm đến đồ ăn, nước uống, thậm chí cả đồ chơi cho trẻ con”.

Bà Bích năm nay đã 75 tuổi, chỉ có một mình bà trên máy bay trở về Việt Nam, gia đình bà vẫn chưa thể về nước. Chia sẻ lại hành trình của mình, bà Bích kể lại: “Khi tình hình bắt đầu căng thẳng, tôi đang ở Kiev. Ban đầu tôi dự định sẽ ở lại, nhưng sau khi phải ở dưới hầm trú ẩn 5 ngày, các con tôi đã yêu cầu di chuyển. Để sang được Warsaw Ba Lan, chúng tôi đã mất 2 ngày”. Rất may, trong suốt hành trình này, bà và mọi người luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế

Cũng nhận được sự giúp đỡ tương tự, chị Nguyễn Thị Hương (Thái Bình) không thể quên được hình ảnh các tình nguyện viên đã hướng dẫn, phiên dịch cho chị và gia đình suốt dọc đường đi. “Ngay khi chúng tôi đến Ba Lan, cộng đồng người Việt tại đây đã liên hệ, lo chỗ ở tạm thời cũng như đảm bảo ăn uống trong suốt những ngày chờ đợi. Đi tới đâu cũng thấy tình cảm của mọi người thật đáng quý”, chị Hương chia sẻ.

Ngổn ngang tâm trạng

Vui mừng vì được trở về quê hương là tâm trạng chung của hơn 300 người vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sáng 10/3. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui, trong ánh mắt mỗi người, không giấu được nét ưu tư.

Bà Phạm Thị Thanh Vang, năm nay 87, mẹ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cũng mới trở về đất mẹ trên chuyến bay sáng nay. Bà Vang chia sẻ: “Giờ phút này về được tới nhà là chúng tôi yên tâm rồi. Tôi chỉ mong tất cả mọi người đều bình an".

Hầu hết những người trở về từ Ukraine đều không thể mang theo tài sản. Tay run run mở chiếc balo cũ xỉn, chị Nguyễn Thị Yến lần mở gói túi vải được gói ghém kỹ càng: “Mọi việc gấp gáp quá nên tôi chỉ kịp cầm vội theo ít UAH [Đơn vị tiền tệ Ukraine – PV] về. Toàn bộ chỉ có thế”. Rơm rớm nước mắt, chị Yến bần thần một thoáng, tài sản trong 22 năm qua của chị hầu như đều ở lại Ukraine và cũng coi như đã mất.

Kiều bào từ Ukraine về nước, vui buồn lẫn lộn

Hành trình trở về chỉ một ít tiền mặt, hầu hết tài sản của kiều bào đều bị kẹt lại đất khách. Ảnh: Trần Giang

Cùng chung cảnh ngộ là chị Lê Thị Đào (Sơn Tây, Hà Nội), chị Đào kể lại, sau một tuần sống dưới hầm trú ẩn, chị đã quyết định sang Ba Lan để đợi về nước. “Hành lý khi đi chỉ là quần áo, thực phẩm thiết yếu cũng như thuốc men. Tiền mặt rất ít”, người phụ nữ có 33 năm sinh sống và buôn bán tại Kharkov nói.

Bên cạnh tâm tư về tài sản, ông Nguyễn Công Cường (Thái Nguyên) lại thêm nỗi lo lắng cho thế hệ mầm non. Do sinh ra và lớn lên tại Ukraine nên vốn tiếng Việt của con cháu ông Cường khá hạn chế: “Không biết thời gian tới, các cháu sẽ học hành và sinh hoạt như thế nào”, người đàn ông gốc Thái Nguyên thở dài.

Nghĩ về mảnh đất đã nhiều năm sinh sống, làng Thời đại tại Kharkov- biểu tượng của người Việt tại Ukraina, ông Cường nói: “99% người ở khu làng Thời Đại ở Kharkov đều di chuyển, chỉ còn một số ít ở lại trông giữ tài sản”. Ông cho biết thêm: 4 người trong gia đình ông đã mất “đúng 3 ngày đêm không ngủ khi di chuyển bằng tàu hỏa về Warsaw, các nhà ga đều chật ních người; hầu hết chỉ kịp mang theo quần áo, hộ chiếu và một ít tiền mặt”.

Ngổn ngang tâm trạng vì những ngày đã qua và cả những ngày sắp tới, tuy nhiên, những nét ưu tư chỉ thoáng qua trên tất cả những khuôn mặt rạng ngời. Đơn giản, những người con đã được an toàn trở về đất mẹ. “Chúng tôi sẽ cố gắng để làm lại từ đầu” – lời của một trong những kiều bào trở về từ Ukraine cuối cùng bước ra khỏi sảnh T2.

Trần Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại