Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:21
RSS

Kiến nghị khẩn thiết của gia đình 9 người chết vì tai biến chạy thận ở Hoà Bình

Thứ tư, 12/09/2018, 20:16 (GMT+7)

Gần 16 tháng sau ca tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 người chết, vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết khiến gia đình 9 nạn nhân vô cùng sốt ruột.

Gần 16 tháng sau ca tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 người chết, vụ việc vẫn chưa có hồi kết, gia đình các nạn nhân chưa nhận được bồi thường thoả đáng. Một lần nữa, gia đình 9 nạn nhân lại lên tiếng.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con của nạn nhân Nguyễn Thị Minh tử vong trong sự cố chạy thận ngày 29/5/2017, cho Lao Động biết: Đầu tháng 9 vừa qua, các gia đình đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, các cơ quan Trung ương và tỉnh Hoà Bình kính đề nghị sớm đưa vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 9 người tử vong ra xét xử công khai, minh bạch, công tâm, thượng tôn pháp luật đúng người, đúng tội để trả lại sự công bằng cho các nạn nhân cũng như những người thân của họ.

Đồng thời, để bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục công việc chuyên môn khám và chữa bệnh cho người dân.

Hơn 1 năm qua, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình mới bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân có người tử vong 10 triệu đồng. Các gia đình nạn nhân vẫn chờ toà án giải quyết. Nhưng đến nay, gần 16 tháng trôi qua, vụ án chưa được làm sáng tỏ.

Các gia đình cũng cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương đã làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình. Quan điểm của các gia đình nạn nhân cho rằng bác sĩ Lương vô tội.

Cũng theo đơn kiến nghị của các gia đình nạn nhân, trong vụ án này, đã có dấu hiệu không minh bạch trong việc ký kết hợp đồng giữa BV đa khoa tỉnh Hoà Bình với Công ty Dược phẩm Thiên Sơn và giữa Công ty Dược phẩm Thiên Sơn với Công ty xử lý nước Trâm Anh.

Kiến nghị khẩn thiết của gia đình 9 người chết vì tai biến chạy thận ở Hoà Bình
Gia đình các nạn nhân. Ảnh: Lao Động

Trước đó, theo Infonet, tại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố này, sáng 29/5/2018, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - đại diện cho 9 gia đình nạn nhân đã viện dẫn những quy định của pháp luật để yêu cầu HĐXX buộc BVĐK tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Theo luật sư Trung, 3 tháng sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện đã ý thức được trách nhiệm của mình và đã đàm phán với các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, do sự thiếu thiện chí của Bệnh viện nên thỏa thuận chưa được thực hiện.

Tòa đã xác định BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự trong vụ án. Có 2 quy định cụ thể của pháp luật để chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thuộc về bệnh viện gồm:

Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị đơn dân sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án này, BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự duy nhất nên phải có trách nhiệm bồi thường;

Điều 76 Luật Khám chữa bệnh quy định trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thì phải tự bồi thường cho nạn nhân.

“Sự việc xảy ra, các bệnh nhân không biết được quy trình nội bộ như thế nào. Họ giao toàn bộ tính mạng cho Bệnh viện. Họ không thể biết rằng thiết bị y tế là do bên nào cung cấp. Tất cả những việc ấy là trách nhiệm của Bệnh viện.

Pháp luật đã quy định rõ ràng, do vây không thể phủ nhận trách nhiệm bồi thường của Bệnh viện” - luật sư Trung nói.


Xem thêm: Tại sao người nhà không hay biết thi thể trơ xương ở Vĩnh Phúc?

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN