Lúc 7h sáng 31/1, hầu hết các điểm quan trắc cho chỉ số chất lượng không khí hầu hết chủ yếu màu đỏ, đến 16-17 giờ đã chuyển sang màu tím.
Lúc 17 giờ, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận các điểm màu đỏ ở các điểm quan trắc đã nâng mức chỉ số chất lượng không khí lên cao hơn, từ 152 thấp nhất lên phần lớn trên 170, có hại cho sức khỏe của con người.
Xuất hiện thêm tới 9 điểm có chỉ số chất lượng không khí lên trên 200, mức màu tím là rất có hại cho sức khỏe như: UBND phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), UBND thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), UBND phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), 36A Phạm Văn Đồng, Tòa nhà quản lý Hồ Thành Công, trụ sở công an phường Hàng Mã, Cung thiếu nhi Hà Nội (Hoàn Kiếm), UBND thị trấn Sóc Sơn và UBND xã Thanh Xuân (Sóc Sơn). Trang moitruongthudo của UBND thành phố Hà Nội cũng cho kết quả tương tự.
Ứng dụng AirVisual cho thấy chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội tăng từ 172 lên 209, mức màu tím, rất có hại cho sức khỏe. Ứng dụng PAM Air ghi nhận chỉ số chất lượng không khí từ 17 điểm màu tím sáng 31/1 chuyển sang hầu hết các điểm đều màu tím, thậm chí xuất hiện mới 3 điểm màu nâu - mức không khí bị ô nhiễm nặng nề, dễ làm phát sinh các bệnh lý hô hấp và dị ứng nghiêm trọng gồm Thư viện Đại học quốc gia Hà Nội (Cầu Giấy), Genesis school (Tây Hồ), Gia Thượng (Long Biên).
Theo các chuyên gia môi trường, mặc dù có mưa nhỏ, mưa phùn nhưng lớp sương mù ngày càng dày bao phủ Hà Nội khiến khói bụi lơ lửng, không phân tán được ra ngoài nên ô nhiễm càng nặng. Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ, cửa ra vào và sử dụng khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường.
Chuyên gia y tế khuyên người dân trong điều kiện thời tiết xấu cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người có bệnh về hô hấp, tim mạch, trẻ em và người già nên ở trong nhà, cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt.