Thứ năm, 21/11/2024 | 18:36
RSS

Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh Hà Nội sẽ học ở đâu?

Thứ sáu, 07/04/2023, 06:34 (GMT+7)

Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì không biết chọn hướng đi nào nếu như con không đỗ vào trường công lập.

Áp lực cạnh tranh

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào các ngày 10 và 11/6/2023. Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên ở Hà Nội năm học 2023-2024 là thi tuyển. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Đây là kỳ thi có quy mô lớn với tính cạnh tranh cao. Năm nay, theo Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố dự kiến có hơn 129.000 học sinh tham gia xét tốt nghiệp THCS, tương đương với năm học trước.

Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh Hà Nội sẽ học ở đâu

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2022.

Thực hiện công tác phân luồng học sinh, năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT khoảng 102.000 học sinh, trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập khoảng 72.000 em. So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh.

Như vậy, sẽ chỉ có 55,7% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập. Tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 THPT công lập đang ở mức thấp kỷ lục so với các năm trước đây khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy bất an, lo lắng về tính cạnh tranh của kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Chị Cung Kim Chi (quận Đống Đa) cho hay: “Tôi luôn động viên con cố gắng ôn tập để thi đạt kết quả tốt. Nhưng động viên con vậy thôi chứ tôi rất lo lắng. Số lượng học sinh dự thi năm nay tăng mạnh thì cơ hội vào trường công của các con sẽ không hề dễ dàng”.

Con gái chị Nguyễn Phương Anh (quận Ba Đình) dự kiến đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Trãi. Tuy sức học của con ở mức khá giỏi nhưng chị Phương Anh vẫn cảm thấy bất an về kỳ thi sắp tới.

“Tôi đang phân vân không biết đặt nguyện vọng cho con thế nào để nắm chắc cơ hội đỗ vào trường công lập. Gia đình tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh có con đã thi vào  lớp 10 năm trước và đang tính toán phương án dự phòng cho con vào các trường THPT ngoài công lập để trút bớt căng thẳng cho con”, chị Phương Anh nói.

Trường công không là lựa chọn duy nhất

Áp lực, lo lắng trước một kỳ thi quan trọng là tâm lý chung khó tránh khỏi của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, với chủ trương phân luồng của Sở GDĐT Hà Nội, không chỉ có vào lớp 10 THPT công lập là con đường duy nhất mà học sinh còn có nhiều lựa chọn phía trước.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.

Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh Hà Nội sẽ học ở đâu

Năm học 2023-2024, Hà Nội sẽ tuyển vào lớp 10 trường công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh; tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học sinh; tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn 17.000 học sinh...

Sở GD&ĐT Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức tuyển sinh chính xác, công bằng, khách quan; bảo đảm 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tư thục, trường công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển học sinh toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh như các trường công lập.

Về phương thức xét tuyển, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp xét tuyển bằng học bạ cấp THCS.

Với các trường công lập tự chủ tài chính và trường tư thục, Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên; kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp trung học cơ sở (ghi trong học bạ của học sinh).

Theo kế hoạch, ngày 20/4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh của các trường tư thục và trường công lập tự chủ tài chính. Đây là thông tin quan trọng mà học sinh, cha mẹ học sinh có thể tham khảo trong quá trình lựa chọn, đăng ký nguyện vọng dự tuyển lớp 10.

Trước băn khoăn về tình trạng quá tải trường lớp, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang tham mưu với thành phố nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, đồng thời, thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS. Những năm gần đây, công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố rất được quan tâm. Riêng ở cấp THPT, trong 5 năm gần đây đã xây mới thêm 10 trường công lập.

Thời gian tới, Hà Nội đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học... Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm từ 3 đến 5 vạn dân có 1 trường THPT.

Nguyễn Hoài
Theo Đại đoàn kết