Khoai tây là một thực phẩm quen thuộc, đem lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe có mặt trong gian bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc nhiều người có thói quen tích trữ, để khoai tây quá lâu mà không ăn đến, gây ra tình trạng khoai tây mọc mầm. Câu hỏi đặt ra là khoai tây mọc mầm ăn được không? Một số người cho rằng khoai tây mọc mầm hoàn toàn an toàn để ăn, miễn là bạn loại bỏ phần mầm đi. Một số người khác lại cảnh báo rằng khoai tây mọc mầm rất độc hại và gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí có khả năng gây tử vong. Vậy đâu là câu trả lời chính xác.
Khoai tây để lâu dễ mọc mầm.
Khi một củ khoai tây mọc mầm, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường, đường này sẽ biến đổi thành các glycoalkaloid không có lợi cho cơ thể người. Các glycoalkaloid thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây cũng như khu vực vỏ màu da xanh lá cây của củ.
Nếu bạn tiêu thụ glycoalkaloid quá mức sẽ dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Khi tiêu thụ glycoalkaloid với lượng lớn hơn nữa, nó có thể gây ra huyết áp thấp, mạch nhanh, sốt, đau đầu, lú lẫn và thậm chí có thể gây tử vong.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai ăn khoai tây mọc mầm có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Vì thế nhiều chuyên gia đã khuyên rằng nên vứt bỏ khoai tây đã chuyển sang màu xanh hoặc khoai tây đã mọc mầm.
Việc cắt bỏ phần mầm ở khoai tây, thậm chí nướng, luộc, chiên hay cho vào lò vi sóng đi nữa cũng không loại bỏ được glycoalkaloid, vì chất này chỉ bắt đầu phân hủy trong khoảng từ 230-280°C.
- Khoai tây có chỉ số đường huyết cao, có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin. Chính vì thế những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.
- Ăn nhiều khoai tây có thể sinh ra các triệu chứng như kích ứng da, tiêu chảy, khó tiêu, đau đầu… Bạn nên thận trọng xem mình có bị dị ứng với loại củ này hay không.
- Bà bầu cần tránh ăn nhiều khoai tây, vì khoai tây dễ gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến thể trạng bà mẹ và thai nhi. Bà bầu tuyệt đối không ăn khoai tây đã mọc mầm.
- Khoai tây không nên nấu chung với cà chua, nhất là cà chua xanh vì có thể gây hại tới dạ dày và tiêu hóa.
- Trước khi dùng khoai tây để điều chế thành thuốc chữa bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ Đông y để tránh tác dụng phụ.
Sau khi mua hoặc thu hoạch khoai tây, bạn hãy lọc bỏ những củ bị rách vỏ, dập hoặc có bất kỳ biểu hiện hư hỏng nào. Bởi chúng sẽ nhanh hỏng hơn các củ thông thường và có thể làm hỏng các củ khoai bình thường khác.
Nên cất khoai tây ở nơi khô, thoáng mát và tối như gầm tủ bếp, tránh xa ánh sáng và độ ẩm vì chúng có thể khiến khoai tây mọc mầm.
Trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, bởi một củ khoai hỏng có thể làm lây nhiễm sang những củ khoai tây khác, vì thế bạn cần loại bỏ nó sớm.
Hy vọng với câu trả lời cho câu hỏi khoai tây mọc mầm có ăn được không trên đây sẽ giúp ích cho các bà nội trợ trong việc sử dụng cũng như bảo quản khoai tây đúng cách!