Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature mới đây, các nhà Khoa học Trung Quốc tiết lộ rằng, thành phần của bề mặt Mặt Trăng ở khu vực Nam Cực - lưu vực Aitken có nhiều điểm hết sức đặc biệt.
Báo cáo chỉ ra rằng, Mặt Trăng không phải lúc nào cũng lạnh và chết chóc như ngày nay, nó có khả năng bắt đầu như một khối đá nóng chảy, khổng lồ, chứa đầy một đại dương magma. Hiểu được thành phần của lớp phủ của Mặt Trăng còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kết cấu bên trong của các hành tinh khác, bao gồm cả Trái đất.
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc trên Mặt Trăng. Ảnh: CNSA
Cũng liên quan tới Mặt Trăng, trước đó sau khi phân tích những hình ảnh Vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng (LRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ gửi về, các nhà khoa học Mỹ nhận định, Mặt Trăng đang dần co lại, tạo ra những nếp gấp trên bề mặt và những trận động đất. Tuy nhiên, nhà địa chất học Nicholas Schmerr - đồng tác giả của nghiên cứu trên đã trấn an công chúng rằng đây không phải là một hiện tượng đáng lo ngại.
“Khi Mặt Trăng lạnh dần, kích thước tổng thể của nó đã giảm đi khoảng 100 mét trong vòng 4,5 tỉ năm qua. Việc này gây nên áp lực trên các mảng kiến tạo địa chất. Nếu chịu quá nhiều sức ép, các mảng kiến tạo địa chất sẽ bị nứt gãy và gây ra các trận động đất trên Mặt Trăng.
Vì trọng lượng của Mặt Trăng không đổi nên tác động của sự co lại của nó đối với Trái Đất là không đáng kể. Vệ tinh này vẫn sẽ tồn tại và gây ra các trận thủy triều trên hành tinh của chúng ta”, ông Schmerr kết luận.
Xem thêm: Thực hư võ cổ truyền Ma Quyền Kì Ảo của Việt Nam khiến bao đối thủ khiếp sợ