Triều Tiên cảnh báo rằng quân đội nước này hiện trong trạng thái “cảnh giác tối đa” sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm khu vực biên giới liên Triều và tái khẳng định Washington đang xem xét “tất cả lựa chọn” để giải quyết vấn đề Triều Tiên nhân chuyến thăm Hàn Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Al Jazeera ngày 17/4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong-chol đã lên tiếng nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “cần mở to mắt khi nhìn nhận về thế giới”.
“Vũ khí hạt nhân mà chúng tôi đang sở hữu không phải là thứ gì đó mang tính ảo tưởng. Chúng không phải là hàng hóa để mà đem đi trao đổi với các đồng đôla Mỹ. Do đó, chúng không thể được đem ra bàn đàm phán” - ông Sin nói.
Theo đó, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang ngày càng được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Ước tính Triều Tiên có thể sản xuất từ 13 - 30 đầu đạn hạt nhân. Theo các chuyên gia, việc sản xuất vũ khí hạt nhân diễn ra trong bí mật, do vậy rất khó xác định chính xác con số đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu.
Trong những năm gần đây, nhà lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un đang đẩy mạnh tiến trình phát triển bom hạt nhân. Bằng chứng là từ đầu năm 2016 tới nay, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa 20 lần, cùng với 2 lần thử bom hạt nhân. Sau mỗi lần thử hạt nhân, Triều Tiên càng tiến gần hơn đến việc chế tạo một quả bom nguyên tử có sức công phá lớn.
Nếu nhìn lại vụ thử đầu tiên, được tiến hành dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, giải phóng chưa đầy một kiloton, thì vụ thử mới đây nhất của Triều Tiên hồi tháng 9/2016 có sức công phá mạnh nhất, giải phóng 10 kiloton theo ước tính của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Song một số người cho rằng sức công phá lên tới 20 - 30 kiloton.
Một chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) David Albright cho biết, ước tính trên đã tính đến những phát triển gần đây nhất của Bình Nhưỡng như giảm trữ lượng plutonium sau 2 vụ thử hạt nhân hồi năm 2016 và thêm vào khoảng 5,5 đến 8 kg plutonium từ chiến dịch tái xử lý hồi năm ngoái.
Ông Albright cũng nói rằng Triều Tiên nhắm đến mục tiêu phát triển vũ khí nhiệt hạch vốn sử dụng vật liệu ít phân rã, làm tăng khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
"Triều Tiên có khả năng đang phát triển vũ khí nhiệt hạch. Nước này giống như đang làm việc trên dòng vũ khí nhiệt hạch một giai đoạn hơn là vũ khí nhiệt hạch 2 giai đoạn như truyền thống hay còn gọi là bom H" - ông Albright nhận định.
Đến năm 2020, nhiều chuyên gia ước tính Triều Tiên sẽ có đủ nguyên vật liệu để chế tạo khoảng 25 đến 50 vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp xấu, chính quyền Kim Jong-un có thể có đến 60 vũ khí hạt nhân nếu lò phản ứng nước nhẹ của nước này đi vào hoạt động.