Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:15
RSS

Khéo léo bù lấp 'khoảng trống' chương trình lớp 10 mới

Thứ năm, 12/05/2022, 06:48 (GMT+7)

Trước “khoảng trống” về giáo viên giảng dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc theo yêu cầu của Chương trình lớp 10 mới, nhiều trường THPT tại Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát nhu cầu, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.


Học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Thiếu giáo viên môn tự chọn

Từ năm học 2022 – 2023 sẽ chính thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 10 trên phạm vi cả nước. Bên cạnh những môn học bắt buộc, nhiều trường học cũng đang đứng trước bộn bề nỗi lo về tình trạng khan hiếm giáo viên (GV) dạy môn tự chọn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Năm học 2021 – 2022, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) có 86 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV). Trong đó, GV trực tiếp đứng lớp là 78.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, với yêu cầu của Chương trình GDPT mới bắt đầu triển khai từ năm học tới, nhà trường vẫn chưa có GV giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc.

“Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu triển khai ở lớp 10 theo Chương trình GDPT mới, do đó cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học hiện vẫn chưa có. Bên cạnh đó, nếu tìm nguồn nhân lực hợp đồng cũng liên quan tới chế độ, kinh phí. Vì vậy, nhà trường sẽ chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT”, thầy Hải nói.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, với các môn tự chọn cùng nhóm như công nghệ và Tin học, nhà trường có cơ sở vật chất cùng nguồn nhân lực dồi dào, sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu của HS.

Tương tự, tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) hiện chưa có GV giảng dạy 2 môn Âm nhạc, Mỹ Thuật. Tuy nhiên, bù lại với 2 môn Công nghệ và Tin học, nhà trường hiện có 4 GV, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của HS.


Học sinh lớp 11A2, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) trong giờ học Kỹ thuật Công nghiệp.

“Với môn Mỹ thuật, Âm nhạc hiện nhà trường vẫn chưa có GV để triển khai. Tuy nhiên, bù lại trường có đủ GV dạy các môn Tin học, Công nghệ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy môn Tin học. Ngoài ra, trường cũng tận dụng các phòng tổ chuyên môn, phòng đa năng để giảng dạy môn Công nghệ”, thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường THPT Quan Sơn hiện có 45 CBGV, trong đó số GV trực tiếp đứng lớp là 37. Tỷ lệ HS là con em người dân tộc thiểu số hàng năm dao động khoảng trên 90%.

Linh hoạt nhiều giải pháp

Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) hiện có tổng số CBGV là 45, trong đó GV trực tiếp đứng lớp là 37. Tuy nhiên, với các môn tự chọn như Mỹ thuật và Âm nhạc, hiện trường vẫn chưa có GV giảng dạy.

“Giải pháp tạm thời có thể tính đến đó là hợp đồng với GV Mỹ thuật, Âm nhạc tại các trường THCS trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng phải tính toán một cách khéo léo để không làm ảnh hưởng tới chất lượng của các trường THCS”, thầy Lê Trung Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Theo thầy Hưng, thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn môn của HS khi vào lớp 10.

Kết quả cho thấy, đối với nhóm môn tự chọn, tỷ lệ HS chọn các môn Mỹ thuật, Âm nhạc chỉ khoảng 10-20%. Trong khi đó, cùng ở nhóm này song tỷ lệ chọn các môn Tin học, Công nghệ cao gấp đôi (khoảng 40%).

Với 2 môn Tin học và Công nghệ, hiện nhà trường có 4 GV, trong đó có 1 GV hợp đồng, vì vậy sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu.


Giờ học Tin học của thầy, trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

“Trước mắt, nhà trường sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có ở hai môn Công nghệ và Tin học để tạo sự cân đối giữa các tiết ở tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học.

Trong 1-2 năm tới, khi có đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy dọc được đảm bảo có thể triển khai giảng dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc”, thầy Hưng nói.

Theo Hiệu trưởng Lê Trung Hưng, khảo sát từ phía GV cấp THCS và phụ huynh, lý do HS chọn học các môn Mỹ thuật, Âm nhạc là vì thấy mới mẻ chứ chưa định hình rõ được sở trường của mình.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc lớp 10 theo yêu cầu Chương trình mới, thì hiện nay gần như chưa có GV. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi về các trường trên tinh thần sẽ tìm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu.

“Các trường THPT sẽ phải khảo sát, thống kê trên địa bàn về các trường hợp như: Sinh viên tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, Âm nhạc nhưng chưa tìm được việc làm; GV tốt nghiệp đại học đang giảng dạy tại các trường THCS nhưng có thể tham gia giảng dạy ở bậc THPT…

Sau khi có danh sách thống kê từ các trường, Sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng”, bà Thanh nói.

Theo Phó Giám đốc Bùi Thị Thanh, hiện công văn đã gửi về các trường và dự kiến ngày 20/5 tới sẽ chốt danh sách từ các trường. Từ đó, mới nắm bắt được tổng thể tình hình cụ thể.

“Về lâu dài, Sở GD&ĐT sẽ làm việc với đại diện Trường Đại học Văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa… để phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các môn học này”, bà Thanh chia sẻ.

 

Toán - Đức
Theo Giáo dục & Thời đại