Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:05
RSS

Khách 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên sẽ bị xử lý thế nào?

Thứ năm, 01/10/2020, 19:13 (GMT+7)

Sự việc một nhà hàng ở Điện Biên bị khách 'bom' 150 mâm cỗ cưới khiến dư luận vô cùng bức xúc. Do khách hàng là chỗ quen biết nên chủ nhà hàng không thực hiện hợp đồng giao dịch đặt cọc trước khi làm cỗ.

Sự kiện:
Điện Biên

Khách 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên sẽ bị xử lý thế nào?

Hình ảnh mâm cỗ bị khách 'bom'. Ảnh: VTC News

Trả lời trên VTC, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu chủ nhà hàng và khách hàng không thỏa thuận được việc thanh toán tiền theo hợp đồng thì nhà hàng có quyền khởi kiện ra TAND để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Thơm phân tích, Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới vẫn có giá trị pháp lý, 2 bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.

Trong trường hợp này, bên bán hàng thỏa thuận với bên mua hàng, 2 bên thỏa thuận thành công nhưng khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng, thanh toán và thu tiền thì bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó. 

Khi thực hiện việc giao dịch việc đặt hàng là 2 bên đã thỏa thuận với nhau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản cụ thể. Nếu bên mua hàng đã đặt đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng mình đặt thì theo pháp luật dân sự người đặt hàng đó vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng.

"Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn", luật sư Thơm nói. 

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Hành vi không thực hiện đúng thỏa thuận trong quan hệ dân sự, vi phạm thỏa thuận của hợp đồng dân sự gây thiệt hại cho chủ thể của hợp đồng, thì đây hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý. Dù vô ý hay cố ý thì cũng sẽ giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự", luật sư Cường cho hay.

Đối với vụ việc nhà hàng bị "bom" cỗ trên, khi khách đặt cỗ cố tình không bồi thường thiệt hại và hai bên không thỏa thuận được với nhau, thì chủ nhà hàng phải khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trước đó, tối 30/9, trao đổi với PV báo Dân Sinh, chị Tuyết (vợ của chủ nhà hàng Tâm Phúc - cửa hàng bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại tỉnh Điện Biên) cho biết, vào sáng 30/9, cô dâu còn ra thử váy cưới, thuê trang điểm và không có biểu hiện gì bất thường.

Theo chị Tuyết, từ trước đến giờ nhà hàng chị chưa gặp trường hợp nào như hôm nay. Do cô dâu là khách quen và từng ăn nhiều lần nên gia đình chị đã không nhận cọc tiền trước. "Hôm đến đặt cỗ có mình cô dâu tới đặt. Sau đó, còn 1 số điện thoại xưng là bố cô dâu và 1 số điện thoại khác gọi điện xưng là chú rể cũng gọi điện cho nhà hàng nên chúng tôi càng tin", chị Tuyết nói.

Thiệt hại 150 mâm cỗ và dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ cũng mất khoảng hơn 200 triệu đồng. Sau khi bị "bỏ bom" cỗ, để gỡ gạc vốn, gia đình và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn thành phố đến "giải cứu" cỗ. Số tiền gia đình chị nhận được sau khi thanh lý 150 mâm cỗ là 30 triệu đồng.

Đến ngày 30/9, lãnh đạo Công an TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cho biết, đơn vị đã nhận được trình báo của nhà hàng Tâm Phúc trên địa bàn phường Mường Thanh về việc bị “bùng” 150 mâm cỗ cưới. Bước đầu đã xác định được cô dâu và đang đi tìm.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN