Theo thống kê của Bộ tư pháp, tỷ lệ những đôi vợ chồng trẻ phải chia tay trong 3 năm đầu chung sống mà ta thường gọi là "ly hôn xanh" chiếm tỷ lệ 32% tổng số vụ ly hôn trong năm 2013. Đặc biệt tỷ lệ ly hôn ngay trong năm đầu chung sống cao hơn bất cứ năm nào khác.
Điều đó chứng tỏ những năm đầu tiên của hôn nhân có thể rất ngọt ngào nhưng cũng nhiều cay đắng. Một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất là chuyện tiền nong chi tiêu trong các gia đình trẻ, nó chỉ đứng sau nguyên nhân ngoại tình.
Khá nhiều vợ chồng trẻ cãi nhau vì tiền bạc. Ảnh minh họa
Từ những chàng trai, cô gái đang sống tự do và hoàn toàn làm chủ túi tiền của mình, chi tiêu tuỳ hứng theo sở thích nay phải đối diện cuộc sống của một gia đình, không ít người rơi vào lúng túng, người này đổ tại người kia và thế là cãi nhau. Người ta nhận thấy các đôi vợ chồng trẻ thường sử dụng đồng tiền của mình theo hai cách sau đây:
Thứ nhất: Cả hai đều đem thu nhập riêng về bỏ vào một quỹ chung, không phân biệt đâu là "của anh", "của em" và ai chi tiêu gì cứ lấy vào đó.
Thứ hai: Tiền của ai người nấy giữ, có quyền chi tiêu cho riêng mình, còn đối với các khoản chi chung thì tiện ai người ấy thanh toán.
Cả hai cách trên đây đều có nhược điểm là hoàn toàn dựa trên ý thức của mỗi người, chi tiêu không có kế hoạch. Do mỗi người có những nhu cầu khác nhau vì thế người chi cho món này chưa chắc người kia đã tán thành. Đó là chưa kể nhiều khi tuỳ hứng mua sắm riêng cho mình theo kiểu "vung tay quá trán", dẫn đến tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền.
Vậy vợ chồng trẻ nên quản lý tài chính và chi tiêu như thế nào phù hợp với thu nhập của mình mà lúc nào cũng không phải băn khoăn thắc mắc với ai. Đây là một bài toán khó mà không phải ai cũng giải được, khiến cho vấn đề tài chính của vợ chồng trẻ trở thành nguyên nhân của mọi mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến đổ vỡ.
Những đôi có quan tâm đến vấn đề này và trao đổi với nhau về chuyện tài chính ngay từ khi chưa kết hôn thường tránh được những mâu thuẫn do tiền nong gây ra.
Từ lâu, người ta đã cho rằng, nhịp đập nóng hổi của con tim và hơi lạnh của đồng tiền là hai lĩnh vực khác nhau, thậm chí kỵ nhau như nước với lửa. Có người còn khẳng định: "ở đâu đồng tiền có mặt thì ở đó không có tình yêu”.
Chúng ta phê phán động cơ yêu đương chỉ vì tiền nhưng chúng ta cũng không tán thành tình yêu nhất là hôn nhân trên mây dưới gió không bao giờ tính đến khả năng tài chính. Bởi vì cuộc sống vợ chồng dù có lãng mạn đến đâu vẫn không thể thiếu những nhu cầu thiết yếu như nhà ở, xe cộ, ăn uống, may mặc, thuốc men, còn nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già yếu.
Rất nhiều khoản chi dựa trên thu nhập nói chung còn hạn chế của những đôi vợ chồng trẻ mới vào đời. Nếu không có một sự tính toán chi li hết sức thực tế thì thiếu hụt là khó tránh khỏi. Và một khi tài chính gặp khó khăn, luôn phải vay mượn, hoặc xin cha mẹ để chi tiêu thì hạnh phúc là điều xa vời.
Cho nên ngay từ khi hai người bàn đến việc xây tổ uyên ương đã phải có dự liệu về tài chính. Thu nhập hàng tháng của anh bao nhiêu? Em bao nhiêu? Tổng cộng là bao nhiêu? Mỗi tháng phải chi những khoản gì hết bao nhiêu? Thu và chi có cân đối không. Đó là chưa kể còn để dành mua nhà, tậu xe, đi du lịch phòng khi ốm đau hay có việc gì đột xuất, gọi là quỹ dự phòng.
Vợ chồng trẻ nên thảo luận về tiền bạc trước khi kết hôn. Ảnh minh họa
Chỉ khi nào trên cơ sở những tính toán cụ thể này thấy thu chi hợp lý mới bảo đảm cuộc sống gia đình êm ấm. Còn nếu như thu ít, chi nhiều theo kiểu "bóc ngắn cắn dài" thì cảnh vợ chồng cãi nhau vì tiền nong chắc chắn là thường xuyên.
Cho nên một đôi vợ chồng trẻ có gặp khó khăn về tài chính hay không chẳng phải do họ có thu nhập cao hay thấp mà là thu và chi của họ có cân đối không? Dù có thu nhập khá nhưng chi nhiều hơn thu vẫn bị thiếu. Thu nhập tuy thấp nhưng chi tiêu tằn tiện ít hơn số thu thì vẫn đủ.