Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:10
RSS

Hơn 350 người ngộ độc vì hải sản của tiệc cưới: Ăn thế nào để an toàn?

Thứ sáu, 02/08/2019, 11:00 (GMT+7)

Kết quả các xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có trong món gỏi hải sản của tiệc cưới.

Hơn 300 người ngộ độc vì món ăn được nhiều người yêu thích
Hơn 300 người tại Đắk Lắk nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiệc cưới (Ảnh Vietnamnet)

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vừa cho biết đơn vị đã xác định được nguyên nhân gây ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại 2 tiệc cưới khiến hơn 350 người phải nhập viện. Kết quả các xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có trong món gỏi hải sản của tiệc cưới.

Theo đó, vụ ngộ độc thực phẩm tại tiệc cưới ở huyện Krông Búk có 195 người bị ngộ độc, cơ quan chức năng đã lấy 6 mẫu thức ăn và 4 mẫu bệnh phẩm để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có trong món gỏi hải sản của tiệc cưới. 

Còn vụ ngộ độc tại tiệc cưới ở huyện Buôn Đôn có 157 người bị ngộ độc, cơ quan chức năng đã lấy 5 mẫu thức ăn và 2 mẫu bệnh phẩm để kiểm nghiệm. Kết quả, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và vi khuẩn Salmonella spp có trong gỏi hải sản là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.

Lý do gây ngộ độc hải sản

Chia sẻ về lý do gây ngộ độc hải sản, trả lời Gia đình & xã hội BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, ngộ độc thực phẩm xuất phát từ hai nguy cơ. 

Trước tiên do độc tố có sẵn ở trong thực phẩm. Ở trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn vibrio para haemolyticus có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến.

 Thứ hai là các loại hải sản giàu đạm nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao. Khi chế biến, bảo quản không đảm bảo thì thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn, ôi thiu hơn. 

Ngoài nguy cơ nhiễm khuẩn hay tiêu chảy khi ăn hải sản sống còn dễ bị sán, trùng kí sinh trong hải sản nếu ăn sống hoặc không được nấu chín. Các món gỏi nguy nguy cơ tiềm ẩn cao hơn. Món gỏi hải sản đã qua chế biến vẫn còn đến 85% ấu trùng lá gan còn sống sót.

Hơn 300 người ngộ độc vì món ăn được nhiều người yêu thích
Hải sản là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc (ảnh minh họa)

Cách nào tránh ngộ độc hải sản

- Không ăn hải sản chưa được nấu chín: Nhiều du khách có sở thích ăn các loại hải sản tái mà không biết đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc cao. Do đó, tuyệt đối không được ăn các loại hải sản khi còn sống đặc biệt là cua.

- Không ăn cá bị nhiễm độc: Những loại cá được nuôi ở những vùng nước ô nhiễm dễ nhiễm thủy ngân gây ngộ độc khi sử dụng như cá kiếm, cá kình, cá thu…

- Nên ăn những loại cá tươi và chế biến sạch sẽ trước khi sử dụng. Ăn chín uống sôi. Với món gỏi hải sản, khi chế biến cần sơ chế kĩ trước khi làm. Tốt nhất nên dành thời gian để diệt vi khuẩn qua nước đun sôi từ 5-6 phút để đảm bảo an toàn sức khỏe

- Đối với những hải sản lạ, chưa từng ăn phải rất thận trọng, vì trong đó có thể chứa chất độc nguy hiểm mà chúng ta không lường trước được. 

Bộ Y tế khuyến cáo trong trường hợp ngộ độc hải sản cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt bằng cách gây nôn. Sau khi đã nôn, người bệnh uống nước trà đường nóng, nước sắc lá sim, lá ổi… để bù nước, cầm đi lỏng, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để kiểm tra, kịp thời xử lý.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN