Mặc dù NSƯT Hoài Linh đã xin lỗi người dân, hẹn sau dịch sẽ minh bạch mọi khoản cứu trợ, nhưng dường như "lỗ thủng" trong niềm tin khó có thể vá lại được.
Nghệ sĩ Hoài Linh lên tiếng sau một thời gian im lặng khi bị truy hỏi về 13 tỷ đồng đã quyê góp được để làm từ thiện.
Khi kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung, hơn 6 tháng trước đây, nam danh hài đã viết: "Tôi kêu gọi anh, chị, em quen thân mỗi người góp một tay. Tôi chỉ xin lúc ngặt chứ không xin lúc nghèo". Lúc "ngặt" nhất đã qua, những đứa trẻ kêu đói, lạnh và rét run rẩy; những người già tái bợt người vì ngâm mình trong nước lũ cả 1 tuần, không còn sức ăn nổi, người ta phải bón từng thìa cháo; những người bệnh tật lay lắt vì thiếu thuốc và chăm sóc y tế, sống trong căn nhà tốc mái dưới mưa bão… đã lùi vào quá khứ. Có một miền Trung tang thương trong mùa lũ nay đang gượng dậy sống tiếp trong mùa dịch.
Chỉ sau vài ngày kêu gọi, Hoài Linh đã nhận được tài khoản hơn 13 tỷ đồng, nhưng sau hơn sáu tháng, khi anh bị truy hỏi, người ta mới hay số tiền đó còn chưa được giải ngân. Bây giờ là lúc "nghèo", danh hài lại im lặng và sau 2 ngày mới lên truyền thông xử lý khủng hoảng bằng lời xin lỗi chơi vơi… Và anh đặt một câu hỏi: "Sự nghiệp 30 năm đánh đổi mười mấy tỷ, quý vị cho ý kiến thử là có nên không?".
Câu nói này khiến người nghe bị sốc hơn nữa, là bởi chính anh đã đánh đổi nhiều thứ chỉ vì vài ngày im lặng, hay 6 tháng không công khai số tiền từ thiện mà trong đó có người gửi 10 ngàn, 20 ngàn ăn sáng chỉ để giúp người còn đói hơn mình.
Một câu hỏi sai thời điểm, vì 30 năm người ta biết đến một Hoài Linh tài năng, duyên dáng trong từng nét diễn, hào hiệp trong mọi việc từ thiện và giúp đỡ đồng nghiệp, quyền lực trong giới showbiz, chẳng ai dại đánh đổi sự nghiệp, tiếng tăm và uy tín bằng niềm tin bỗng chốc lung lay và thần tượng thì có nguy cơ sụp đổ trong thất vọng!
Mặc dù đã xin lỗi và nêu lý do dịch bệnh chưa thể trao quà cho người dân miền Trung bị bão lũ, Hoài Linh vẫn bị cộng đồng mạng phản ứng.
Là bởi, ngay cả khi lên tiếng xin lỗi, Hoài Linh cũng đổ lỗi cho dịch bệnh và sự bận rộn của mình. Cũng làm từ thiện giữa hai đợt dịch, song ca sĩ Thủy Tiên vẫn lặn lội đi vào vùng lũ, bất chấp sức khỏe có thể khiến cô suy sụp lúc nào, giải ngân được hơn 177 tỷ đồng, xây 10 căn nhà cộng đồng tránh lũ. Không những thế, cô còn dám đối diện với thị phi, chất vấn cụ thể số tiền đó đã chi ra sao, cùng mối nghi ngờ tiền từ thiện có bị suy suyển hay không…
Vâng, đã là người quyết làm đến cùng thì Thủy Tiên không có gì phải sợ hãi hay nao núng, bởi với cô, "một miếng khi đói bằng cả gói khi no" và đó là hạnh phúc của một người nổi tiếng làm từ thiện bằng trái tim, thay vì bằng một cách thức khoa học và chuyên nghiệp.
Số tiền Hoài Linh kêu gọi được công khai trên trang cá nhân cách đây hơn 6 tháng.
Khi Hoài Linh viện dẫn 2 đợt dịch, trì hoãn làm từ thiện, cư dân mạng chỉ ra đợt dịch đó không ảnh hưởng đến các địa phương bị lũ lụt, vì sao những người khác vẫn làm được? Liệu một người quá bận rộn như anh sao có thể đứng ra kêu gọi đóng góp, hỗ trợ, để rồi im lặng trong suốt hơn 6 tháng qua?
Không riêng cư dân mạng, nhiều luật sư cũng chỉ ra rằng, theo Nghị định 64/2008 của Thủ tướng Chính phủ, "thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp".
Cũng có người nói, đó là "nước cờ sai" của Hoài Linh, khi tham gia một vai diễn mà lời xin lỗi cũng không vớt vát được trước cơn phẫn nộ của cộng đồng mạng. "Cứu người phải như cứu hỏa", không thể biện minh cho mọi sự chậm trễ hay lời hứa minh bạch, công khai mọi khoản chi từ thiện. Bởi ngay với chính mình, Hoài Linh còn nợ một lời xin lỗi.
Rằng mình không thể làm được điều mình hứa với công chúng, khán giả, coi như mình tự làm thương tổn chính danh tiếng của mình, tự mình xóa đi những gì mình đã làm được trong một phút giây im lặng. Xin lỗi là một sự dũng cảm, nhưng xin lỗi chân thành và đúng mức thì mới không châm dầu vào lửa.
Xin lỗi đúng mức, thì lần sau sẽ không phải tự thân đi đến từng nơi trao quà, mà chính là lập một quỹ từ thiện hoặc thông qua một quỹ từ thiện uy tín để thực hiện lời hứa như một nghĩa cử để không hổ thẹn với lương tâm.
Còn nhớ, khi bị một cư dân mạng bình luận "Đừng ăn chặn để xây nhà thờ Tổ nha chú Hoài Linh", nam danh hài từng phản hồi: "Cám ơn con. Con có công đức 100 tỷ chú cũng không nhận để làm việc riêng cho chú đâu, con đừng lo. Nhà Tổ chú xây xong rồi, con nói động đến chú thì được nhưng con đừng động đến tâm linh con nhé. Mong con cũng đừng có ăn chặn gì của ai dù chỉ là trong suy nghĩ".
Sai lầm của Hoài Linh là đã không nói rõ ngay từ đầu trên trang cá nhân, đã chần chừ quá lâu để làm việc cần làm trong khẩn cấp. Lối làm từ thiện không chuyên là như vậy.
Hoài Linh nổi tiếng vì có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhưng cách làm nên thay đổi để hiệu quả hơn.
Nghệ sĩ Việt lâu nay làm từ thiện theo cảm tính, cứ kêu gọi được bao nhiêu thì đổ xô đi làm. Thậm chí, từ thiện như phong trào, người này nhìn sang người khác để xem ai kêu gọi được nhiều hơn. Nhưng không ít người quên mất rằng họ có thể làm sụp đổ thần tượng của chính mình trong lòng người hâm mộ, nếu cách làm không đúng, không khoa học, không chính thống, sẽ mang lại nhiều thị phi, chỉ trích.
Nói cho cùng, thần tượng ở đâu, nếu không ở trong lòng người, và đưa lên hay đạp đổ cũng chỉ từ hành vi của người ấy mà ra, nếu không xứng đáng với lòng tin của công chúng thì người ta sẽ gạch một cái tên nhẹ nhàng nhưng đau xót, ra khỏi trái tim của họ, vì đó là niềm tin mà họ gửi gắm, vì đó là bữa ăn sáng hay một ít sách vở mà người nghèo đã nhường lại cho người còn ngặt khó hơn mình.
Cũng có người cho rằng, tiền vẫn còn đó, không nên đặt nghi ngờ cho danh hài, thậm chí giờ mang ra hỗ trợ còn kịp trong đợt dịch. Nhưng có những thứ không vớt lại được, khi uy tín như tờ giấy thủng và lỗ thủng lớn nhất nằm ở trong tim một người.
Sự nghiệp, quá trình từ thiện và lời xin lỗi chơi vơi trước công chúng không cứu được Hoài Linh.
Hoài Linh, anh nên xin lỗi chính mình!
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán các bà mẹ, người có kinh nghiệm làm từ thiện trong cộng đồng, chia sẻ: "Tôi không nghĩ Hoài Linh chiếm dụng khoản tiền hơn 13 tỷ trên. Ai cũng có thể làm sai như việc chậm trễ đi từ thiện, và nên có cơ hội cho họ sửa sai. Vấn đề là làm gì để điều phối nguồn tiền đó có hiệu quả, đến được đúng người, giúp họ có kế sinh nhai sau lũ lụt. Muốn vậy, cần có sự tham gia của những người công tác cộng đồng, như chuyên gia Sơn Phạm, Phó giám đốc Quỹ LIN hay nhóm của Giang Kèo…. Tùy theo nguyện vọng của người đóng góp giúp cho vùng nào, những người có chuyên môn sẽ tư vấn cần làm gì, chứ không đi phân phát một cách tự phát. Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo ý kiến từ chính quyền địa phương các cấp. Làm gì cũng phải có kế hoạch bài bản, lâu dài. Việc có nhiều nhà hảo tâm tặng mì tôm rõ ràng không hiệu quả bằng việc tiếp cận những khu vực bị lũ lụt chia cắt, nơi người dân rất khó khăn trong việc đi lại, nói gì đến chuyện nhận tiếp tế. Thế nên, theo tôi, sau lũ lụt vẫn nên tiếp tục chương trình trao quà, hỗ trợ cho những người ở vùng sâu đó". |